Lấy công nghệ làm nền tảng

Khi được hỏi tại sao HPT lại chọn dịch vụ tin học làm lĩnh vực kinh doanh, ông Đinh Hà Duy Linh, Tổng giám đốc công ty HPT đã trả lời một cách đơn giản “Tham gia thành lập công ty, chúng tôi đều là những người làm kỹ thuật, am hiểu sâu về máy tính, hệ thống mạng và các giải pháp công nghệ. Vì vậy, dịch vụ CNTT là việc chúng tôi có thể làm tốt nhất”.

Triết lý đơn giản “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” được một nhóm các kỹ sư máy tính áp dụng và kiên trì theo đuổi trong suốt 20 năm và họ đã tạo dựng nên một thương hiệu.


Khi trí thức làm dịch vụ
Nhìn từ góc độ người dùng cuối trong doanh nghiệp, sự bùng nổ máy tính cá nhân cách đây 3 thập kỷ đã làm thay đổi căn bản cách con người làm việc, tương tác với các hệ thống, ứng dụng nghiệp vụ. Được trang bị máy tính cá nhân, phần mềm nghiệp vụ thích hợp và một số kiến thức cơ bản về tin học, mỗi người đều có thể thực hiện nhanh và hiệu quả công việc mà trước đây họ phải làm thủ công, hoặc cần đến trợ giúp từ các chuyên gia máy tính.

Tuy nhiên, từ góc độ của của người làm tin học, các ứng dụng chạy trên máy tính cá nhân của người dùng cuối hiện nay và hệ thống nghiệp vụ vận hành trên máy tính lớn trước đây đều có cùng một nền tảng công nghệ cơ bản. Khác nhau chỉ là cách con người tương tác với hệ thống.

Hiểu được bản chất của vấn đề này, bài toán đặt ra cách đây hơn 20 năm cho những người làm tin học là làm sao chuyển đổi các hệ thống, ứng dụng nghiệp vụ dựa trên máy tính lớn và triển khai trên máy tính cá nhân, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của các tổ chức, doanh nghiệp.

“Ngay từ ngày đầu thành lập, những người sáng lập HPT đã chọn tên Công ty dịch vụ công nghệ tin học HPT, và coi đây như là một sứ mệnh”, Ông Linh cho biết. Ban lãnh đạo HPT đã xác định “Lấy kỹ thuật – công nghệ làm nền tảng, lấy thị trường – khách hàng làm định hướng, trong đó việc cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng là giá trị cốt lõi trong hoạt động của HPT”.

Đề cập đến khái niệm dịch vụ tin học, ông Linh đã làm rõ thêm: “HPT không sản xuất, không tạo ra sản phẩm để thương mại, mà chỉ đưa những sản phẩm có sẵn của các nhà cung cấp trên thế giới đến với khách hàng. Nhưng quan trọng hơn là để sản phẩm đó được sử dụng đúng mục đích, đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng thì cần có nhiều việc phải làm, và chúng tôi gọi đó là dịch vụ”.

Được trang bị những kiến thức nền tảng chuyên sâu về khoa học máy tính, tự động hóa, cộng thêm hiểu biết về nghiệp vụ chuyên môn của khách hàng, những người khởi xướng HPT bắt đầu sứ mệnh của mình, cung cấp dịch vụ tích hợp và triển khai các hệ thống CNTT phục vụ yêu cầu kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.

Ông Đinh Hà Duy Linh, Tổng giám đốc công ty HPT: Là những người làm kỹ thuật, am hiểu sâu về máy tính, hệ thống mạng và các giải pháp công nghệ, vì vậy, dịch vụ CNTT là việc chúng tôi có thể làm tốt nhất.

Dựa vào “những người khổng lồ”
Như nhiều công ty khởi nghiệp khác, HPT đã bắt đầu một giai đoạn khó khăn. Khách hàng ban đầu còn ít, chỉ một số ngân hàng và công ty nước ngoài, là những đơn vị đã có mối quan hệ tốt và tin cậy trước đó.

Từ nhận thức về việc khó có thể có được các sản phẩm CNTT hoàn chỉnh trong nước, Ban lãnh đạo HPT khi đó đã đặt ra mục tiêu hợp tác và dựa vào các công ty công nghệ hàng đầu nước ngoài. Thuận lợi ban đầu là HPT đang có quan hệ tốt với các nhà cung cấp lớn, họ sẵn sàng hỗ trợ về mặt đào tạo, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm của mình. Với công nghệ, quy trình rất chuẩn mực cùng sự hỗ trợ của đối tác, HPT có thể triển khai các giải pháp, hệ thống CNTT phức tạp, đáp ứng đúng mục đích kinh doanh của khách hàng, là các công ty viễn thông, ngân hàng…

Mặt khác, quan hệ với đối tác lớn cũng gặp thách thức, đó là phải luôn nắm bắt được công nghệ của đối tác, chứng minh được khả năng của mình có thể triển khai thành công các hệ thống lớn, chẳng hạn như các hệ thống Unix của HP mà không phải ai cũng có thể làm được vào thời điểm đó. Với những hệ thống phức tạp như vậy, muốn hệ thống vận hành được thì giải pháp cho khách hàng không thể thiếu các dịch vụ kèm theo. Cần phải hiểu dịch vụ ở đây là hoạt động chuyên môn không chỉ dựa trên tri thức, kinh nghiệm của mình và còn phải hiểu biết về hoạt động của khách hàng.

Trong kinh doanh, cho dù trong lĩnh vực nào, thì khả năng đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng luôn được coi là ưu thế cạnh tranh. Quan điểm “bán cái khách hàng cần” là đúng. Nhưng qua thực tế, thì cũng phải biết “bán cái mình có” và riêng trong lĩnh vực CNTT thì điều này rất quan trọng. Bởi công nghệ có thể tạo ra nhu cầu, từ đó tạo ra khách hàng. Bản thân có những nhu cầu tiềm ẩn mà khách hàng chưa nhìn thấy. Nhà cung cấp dịch vụ, với vai trò kết nối, cần nhận biết được nhu cầu này dựa trên hiểu biết, kinh nghiệm về cả công nghệ và quan trọng nhất là hiểu đúng nhu cầu của khách hàng.

Một ví dụ. Khi HP giới thiệu máy vẽ (plotter) của họ ra thị trường, sản phẩm này còn rất mới và lạ, không dễ cạnh tranh với các sản phẩm tương tự của các hãng khác đã quen tên trên thị trường. Với vai trò của đối tác, HPT đã có một cách tiếp cận: mời ProEngineer, một công ty chuyên thiết kế phần mềm cho ngành cơ khí, xây dựng tham gia tổ chức hội thảo về ứng dụng công cụ thiết kế tự động trên máy tính. Giải pháp đưa ra là sự kết hợp của phần mềm, trạm làm việc và máy vẽ của HP. Kết quả đạt được rất khả quan, HPT đạt mục tiêu: bán được máy vẽ HP.

Vấn đề nhiều khi không phải ở chỗ “làm sao biết được sản phẩm nào khách hàng cần”, mà là “làm sao để khách thấy được đó là sản phẩm họ cần”, ông Linh chia sẻ.

Thách thức khi công nghệ thay đổi
Công nghệ mới tạo ra cơ hội, nhưng cũng sẽ là thách thức lớn.

HPT ra đời trong bối cảnh công nghệ có những thay đổi lớn, và sự thay đổi này diễn ra liên tục. Trước những xu hướng công nghệ mới hiện nay như trào lưu di động, điện toán đám mây, Big data… ông Linh nhận định rằng công nghệ thay đổi là tất yếu, bản thân HPT sẵn sàng chấp nhận. Tuy nhiên, định hướng của HPT là nhắm vào các tổ chức, doanh nghiệp, lĩnh vực mà ứng dụng luôn được xây dựng trên những công nghệ nền tảng, và nếu có thay đổi thì cũng là sự kế tục. “Mặc dù công nghệ thay đổi, nhưng nền tảng nói chung thì vẫn là cơ bản. Big data vẫn phải dựa trên hạ tầng của hệ thống dữ liệu, và HPT cũng đã đầu tư nhiều vào các giải pháp, quy trình dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu. Do vậy chuyển sang Big data không phải điều gì quá mới”.

Đề cập đến thiết bị di động, ông Linh cho biết xu hướng BYOD (sử dụng thiết bị di động để làm việc) là tất yếu. Vấn đề lớn nhất trong phạm vi doanh nghiệp là bảo mật. HPT cũng đã có quá trình đầu tư lâu nay về bảo mật dữ liệu và an ninh mạng. Giờ đây, phạm vi bảo vệ được mở rộng ra cho các thiết bị và ứng dụng di động, nhưng vẫn dựa trên những nền tảng cơ bản.

Một lần nữa, ông Linh nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của các đối tác nước ngoài. Những thay đổi quan trọng về công nghệ thường được dẫn dắt bởi các công ty hàng đầu. HPT đã tạo cho mình một vị thế rất quan trọng: bề dày kinh nghiệm và uy tín, nên luôn được các đối tác cập nhật, dự báo, đánh giá về xu hướng công nghệ mới.

Sự thay đổi công nghệ, cho dù là nhanh, nhưng cơ bản vẫn là dựa trên các xu hướng công nghệ đã được dự báo và nằm trong giới hạn của bài toán doanh nghiệp, và cũng trong khả năng đáp ứng của HPT. Theo ông Linh, với những công ty có bề dày kinh nghiệm thì quyết định lựa chọn, giải pháp công nghệ hay cách thức triển khai là yếu tố cực kỳ quan trọng và được khách hàng đánh giá cao. Công ty có thời gian hoạt động hàng chục năm sẽ rất khác công ty hoạt động vài năm.

Mặc dù khẳng định mặt tích cực của sự thay đổi công nghệ, làm tăng khả năng ứng biến, vận động bắt kịp xu hướng, tự thay đổi mình, nhưng ông Linh cũng thừa nhận một thực tế không phải luôn như vậy. Bản thân HPT cũng đã trả giá cho việc lựa chọn công nghệ không phù hợp, không có khả năng phát triển, dẫn tới thất bại, cả HPT lẫn khách hàng. “Những trường hợp như vậy đã từng xảy ra, và nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng tôi”.

Đây là thách thức rất lớn cho các công ty làm dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ cao.

Đảm bảo nguồn nhân lực

Trong suốt 20 năm, nguồn lực lớn nhất của HPT là đội ngũ người làm công nghệ, chiếm 40 – 50% nhân lực công ty. Việc chuẩn bị nhân lực phải có có lộ trình, chuẩn mực. Với HPT, trước tiên là nguồn lực phải đảm bảo chuyên môn, chất lượng theo yêu cầu của đối tác, sau đó thì luôn có sự đào tạo bổ sung, thay đổi theo nhu cầu.

Mặc dù vậy, nhân lực luôn là vấn đề rất lớn đối với không chỉ HPT, mà còn với ngành CNTT nói chung. Để giải quyết lâu dài bài toán nhân lực nói riêng và bài toán quản trị nói chung, Ban lãnh đạo HPT đã đưa ra 4 nhiệm vụ chiến lược.

- Phát triển và quản trị nguồn lực: HPT luôn liên tục điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp từ chế độ chính sách đãi ngộ đến chính sách phát triển.

- Ứng dụng công nghệ trong quản trị: Một trong những mục tiêu của ứng dụng là phục vụ cho việc quản trị, hỗ trợ ra quyết định, đảm bảo dịch vụ chất lượng cho khách hàng… và trên hết là phục vụ cho việc quản lí tri thức, mục tiêu quan trọng mà HPT đang theo đuổi để đảm bảo sự kế tục lâu dài.

- Văn hóa HPT: không thể gắn kết nhân sự chỉ bằng chính sách, chế độ, hay đãi ngộ. Xây dựng một HPT có văn hóa, thương hiệu và uy tín xã hội để mỗi nhân viên luôn tự hào về chính nơi mình làm việc.

- Hệ thống quản lí và phát triển cán bộ lãnh đạo: Đây là ưu tiên của HPT với phương châm xây dựng bộ khung rồi mới phát triện hệ thống nhân viên. Mục tiêu đặt ra nhằm tạo ra những cán bộ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có năng lực quản lí.

Trên cơ sở những mục tiêu đã định sẵn, HPT xem xét và điều chỉnh phù hợp tại các thời điểm khác nhau. Công việc này không thực sự dễ dàng bởi cần sự thống nhất của cả một hệ thống từ tư tưởng cho đến cách thức làm việc trong toàn công ty. Nhưng nếu xác định đúng những việc cần làm thì coi như đã đạt một nửa thành công.

Cạnh tranh không biên giới

Số lượng các công ty có khả năng cung cấp dịch vụ CNTT cấp độ doanh nghiệp lớn ở Việt Nam không nhiều. Có thể kể đến các đơn vị như FPT, CMC, HPT, Sao Bắc Đẩu. Mỗi công ty đều có số khách hàng đặc thù của mình và quy mô thị trường còn lớn nên sự cạnh tranh không nhiều. Hơn nữa, nhu cầu về tích hợp hệ thống nhằm giải quyết các bài toán ứng dụng, quản trị của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh.

Vấn đề của các công ty trong nước giờ đây chủ yếu là năng lực, tức là khả năng giải quyết những bài toán quy mô lớn, hệ thống phức tạp, liên quan không chỉ đến CNTT mà còn đến nhiều nghiệp vụ khác nhau… Về khía cạnh này, các đơn vị trong nước đang kém hơn các đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện trên thị trường, chẳng hạn các công ty tích hợp hệ thống Wipro, Tech Mahindra, Abacus, Verinon, Infosys…đến từ Ấn Độ.

Tuy nhiên, một thách thức lớn hơn mới xuất hiện. Đó là sự cạnh tranh không đối mặt - cạnh tranh với công ty bất kỳ trên thế giới. Với nền tảng công nghệ và ứng dụng hiện nay, khách hàng có thể tương tác với bất kỳ nhà cung cấp ở đâu, tự lựa chọn từ hạ tầng phần cứng đến dịch vụ phần mềm, mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Đó là cạnh tranh không biên giới. Nếu không có sự thay đổi phù hợp thì đây sẽ là trở ngại lớn cho các công ty trong nước vốn không đủ mạnh nguồn lực, công nghệ, tài chính...

Không chỉ HPT, mà các nhà cung cấp dịch vụ khác trong nước đều ý thức được vấn đề này và mỗi đơn vị phải tự chuẩn bị lộ trình, phương án kinh doanh phù hợp với sự thay đổi không chỉ liên quan đến công nghệ, mà còn cả môi trường rộng hơn.

Hòa nhạc HPT 2015 - dấu mốc 20 năm HPT

Ngày 10 tháng 01 năm 2015 vừa qua, công ty HPT đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập bằng một buổi hòa nhạc đặc sắc dành riêng cho sự kiện này “Hòa nhạc HPT 2015” tại Nhà hát TP.HCM.

Hòa nhạc HPT 2015 - Nét văn hóa đặc sắc của HPT nhân dịp Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập công ty

Đánh giá cao những gì HPT đã đóng góp cho CNTT VN nói chung và CNTT TP.HCM nói riêng, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà đã tham dự và trao tặng bằng khen cho HPT.


Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng trao tặng Bằng khen của Bộ TTTT cho công ty HPT do ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị làm đại diện

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà trao tặng bằng khen của TP.HCM cho công ty HPT do ông Đinh Hà Duy Linh- Tổng giám đốc HPT làm đại diện.


Ông Ngô Vi Đồng,
Sáng lập viên, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần dịch vụ Tin học HPT


Kỷ niệm 20 năm thành lập, nhìn lại chặng đường đã qua tôi thực sự vui mừng khi HPT giữ vững là công ty CNTT hàng đầu Việt Nam, được bạn bè, khách hàng tin yêu. Ngay từ đầu chúng tôi đã đặt ra cho mình sứ mệnh trở thành một tổ chức văn minh hiện đại, có năng lực, có môi trường tri thức cho nhân tài phát triển. Cho đến hôm nay, những kết quả lớn nhất mà HPT đạt được đó là:

Kiên định con đường kinh doanh, xây dựng công ty bằng năng lực chuyên môn, đầu tư và xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, nắm bắt công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng. HPT liên tục nhận được những phần thưởng cao quý của Nhà nước và TP.HCM. Đặc biệt năm 2014, HPT là đơn vị duy nhất được tặng danh hiệu “Đơn vị có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển CNTT-TT TP.HCM”.

Xây dựng các quy trình chuẩn hóa trong quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh chuẩn ISO, HPT còn triển khai hệ thống quản lý an ninh theo chuẩn ISO27001.
Tạo được nền tảng văn hóa doanh nghiệp nhân bản hài hòa. Đây là một niềm tự hào của tập thể CBNV công ty, nét văn hóa thể hiện trong lao động, trong cam kết với khách hàng, trong kinh doanh, trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày.

Thành công lớn nhất của HPT là có được sự tín nhiệm và tin yêu của khách hàng, đối tác. HPT có nhiều khách hàng trong các lĩnh vực như quản lý Nhà nước, Tài chính Ngân hàng, An ninh quốc phòng… và không ít trong số đó đã gắn bó với HPT trong suốt 20 năm. HPT cũng rất tự hào là đối tác của nhiều công ty CNTT hàng đầu thế giới.

Và cuối cùng là nền tảng cho sự phát triển tiếp theo sau 20 năm của HPT. Đó là con người, nền tảng văn hóa với các giá trị cốt lõi: “Chính trực - Cam kết, Tận tụy với khách hàng, Chuyên nghiệp, Tinh thần đồng đội, Nhân bản - Hài hòa”. 

Tuy nhiên, HPT vẫn còn có nhiều trăn trở, hạn chế. Đó là làm sao tiếp tục duy trì sức cạnh tranh trong thời buổi nhiễu nhương, làm sao giữ được nguồn lực của mình trong cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Mặc dù mặc dù thành công với với dịch vụ phần mềm, nhưng chúng tôi lại chịu nhiều thất bại trong mảng phát triển phần mềm.

Còn nhiều việc HPT phải làm, và chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì con đường của mình.
Theo Nhật Thanh - Thạch Anh
(www.pcworld.com.vn)