Doanh nghiệp Việt phát triển nền tảng giao tiếp cho các công cụ an toàn thông tin

Giải pháp giám sát an ninh mạng của doanh nghiệp Việt giúp kết nối các công cụ rời rạc để tạo một báo cáo tổng hợp theo thời gian thực về những sự cố an toàn thông tin.

Nhằm tận dụng các công cụ hiện có và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, HPT phát triển nền tảng giám sát an toàn thông tin có thể kết nối các công cụ doanh nghiệp đã đầu tư từ đầu. 
Theo đó, giải pháp giám sát an ninh mạng HCapollo cung cấp khả năng thu thập dữ liệu thời gian thực, lưu trữ và phân tích các dòng sự kiện an toàn thông tin (ATTT) tập trung, từ đó khắc phục khuyết điểm rời rạc thông tin cảnh báo trên các giải pháp truyền thống hoặc đã trang bị.
Giải pháp có tính năng SOAR (Security Orchestration - Automation & Response) làm nền tảng giao tiếp giữa các giải pháp phòng thủ truyền thống. Khi những giải pháp này hoạt động một cách đơn lẻ, các dữ liệu được tổng hợp và cung cấp khả năng theo dõi liên tục 24/7 để phục vụ công tác duy trì ATTT. Qua đó, cung cấp tức thời bức tranh toàn cảnh ATTT cho các mô hình tổ chức, doanh nghiệp.


Giải pháp của HPT được thiết kế để tích hợp và xử lý dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, giúp phát hiện và xử lý những sự cố, mối đe doạ và vi phạm ATTT của hệ thống.

Giải pháp khắc phục các điểm yếu của hệ thống SIEM (SIEM - Security Information and Event Management - quản lý nhật ký và sự kiện tập trung) truyền thống, nâng cấp hệ thống để bổ sung khả năng tự động hoá xử lý các cảnh báo ATTT, tối ưu hoạt động của hệ thống SIEM, tối ưu chi phí đầu tư ATTT.

Giải pháp đáp ứng yêu cầu lưu trữ, phân tích, giám sát hệ thống theo cấp độ của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP, Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu kỹ thuật trong TCVN-11930-2017 về Công nghệ thông tin. 

Phần mềm này vừa đoạt giải thưởng Sao Khuê do Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức mới đây.

Ngoài ra, một sản phẩm khác của HPT cũng được Ban tổ chức Sao Khuê trao giải, là dịch vụ Kiểm thử xâm nhập.

Dịch vụ được đội ngũ chuyên gia bảo mật của công ty thực hiện tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế như OWASP, ISSAF, OSSTMM,…  Các chuyên gia sẽ sử dụng kỹ thuật và kịch bản tấn công như tin tặc thật sự xâm nhập vào hệ thống. Sau đó cung cấp báo cáo chi tiết về các điểm yếu trên hệ thống có thể bị tin tặc tấn công gây thiệt hại đến hoạt động kinh doanh, đồng thời đưa ra khuyến nghị xử lý lỗ hổng cho doanh nghiệp nhằm nâng cao mức độ an ninh của hệ thống, giúp doanh nghiệp chủ động phát hiện sớm và ngăn ngừa các rủi ro về ATTT, giảm thiểu thiệt hại từ tấn công mạng.

Ngoài hai sản phẩm trên, phần mềm HPT SAALEM – Giải pháp số hóa Quy trình nghiệp vụ tín dụng – thuộc lĩnh vực ngân hàng số cũng lọt vào danh sách giải thưởng của Sao Khuê. Phần mềm này đáp ứng nhu cầu tự động hóa, phân tích đối với hoạt động tín dụng, một hoạt động cốt lõi của nhiều ngân hàng.

Giải thưởng Sao Khuê là một giải thưởng có uy tín và được công nhận rộng rãi về khoa học và công nghệ tầm quốc gia. Sau 18 năm tổ chức, giải thưởng Sao Khuê đã được trao cho hàng nghìn lượt sản phẩm, giải pháp phần mềm và dịch vụ CNTT xuất sắc của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nguồn: Báo ICT News