Deepfake là gì và tại sao nó nguy hiểm?
Deepfake là công nghệ xử lý hình ảnh và âm thanh dựa trên trí tuệ nhân tạo sử dụng nhiều thuật toán máy học để tạo ra những video hay đoạn ghi âm có nội dung giả mạo, đánh lừa người xem. Công nghệ này có thể thay đổi khuôn mặt, giọng nói hay biểu cảm của một người, từ đó tạo ra các nội dung giả mạo không có thật. Ngoài ra, Deepfake còn dựa trên các mô hình mạng nơ-ron như Generative Adversarial Networks (GANs) để "học" từ dữ liệu gốc (hình ảnh, video, âm thanh) và sau đó tạo ra các phiên bản giả mạo của dữ liệu. Qua quá trình huấn luyện, hệ thống có thể bắt chước những chi tiết nhỏ nhất của khuôn mặt, giọng nói, biểu cảm hay thậm chí là những chuyển động vật lý của một người, giúp cho sản phẩm deepfake trở nên rất chân thực, khó phân biệt được giữa người thật và AI.
Ban đầu, deepfake được ứng dụng trong lĩnh vực giải trí, điện ảnh và truyền thông để tạo hiệu ứng đặc biệt hoặc làm tăng tính sáng tạo cho nội dung. Tuy nhiên, công nghệ này đã dần bị lợi dụng vào các mục đích không chính đáng như lừa đảo, thao túng thông tin, bôi nhọ danh tiếng cá nhân hay tổ chức. Khi bị sử dụng vào mục đích xấu, deepfake trở nên vô cùng nguy hiểm. Chúng có thể tạo ra các video, hình ảnh hoặc âm thanh giả mạo của những người có uy tín, dẫn đến việc lừa đảo tài chính, tấn công truyền thông và phá hoại danh tiếng của doanh nghiệp.
Rủi ro từ công nghệ Deepfake đối với doanh nghiệp
Giả mạo lãnh đạo và chỉ thị giao dịch tài chính
Tội phạm mạng sử dụng công nghệ AI để tạo ra video hoặc đoạn ghi âm giả mạo giọng nói của các lãnh đạo cấp cao (CEO, CFO…). Nội dung được tạo ra rất chân thực đến mức khó phân biệt. Sau đó, kẻ gian liên hệ trực tiếp với bộ phận tài chính hoặc những người có thẩm quyền qua điện thoại, email giả mạo hoặc các nền tảng liên lạc nội bộ, đưa ra chỉ thị “khẩn cấp” về việc chuyển khoản hoặc thực hiện giao dịch tài chính. Kẻ xấu thường đánh vào tâm lý và sử dụng yếu tố khẩn cấp để khiến nhân viên không có thời gian kiểm tra lại thông tin hay xác nhận với nhiều cấp quản lý, lập tức thực hiện theo yêu cầu giả mạo mà không hay biết mình đã bị lừa.
Vào năm 2019, đã có báo cáo về một vụ lừa đảo sử dụng deepfake để giả mạo giọng nói của giám đốc điều hành của một công ty châu Âu và yêu cầu bộ phận tài chính thực hiện chuyển khoản số tiền lớn vào tài khoản của kẻ gian. Sự nhầm lẫn này được tạo ra nhờ một đoạn ghi âm chân thực đến mức người nghe không thể phân biệt được với giọng nói thật của CEO, làm công ty mất mát một khoản tiền lớn cho vụ lừa đảo.
Tấn công vào hệ thống truyền thông và danh tiếng của doanh nghiệp
Kẻ gian sử dụng các thủ thuật tinh vi để tạo ra các video deepfake giả mạo các lãnh đạo hoặc đại diện của doanh nghiệp nhằm tuyên bố những thông báo sai lệch như khủng hoảng tài chính, sáp nhập, hay các quyết định nội bộ gây sốc. Các video này sau đó được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, diễn đàn và các trang tin tức phổ biến, khiến thông tin giả mạo nhanh chóng lan rộng và tạo ra “cơn sốt” cho dư luận. Những bàn tán xôn xao về thông tin sai sự thật có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng cũng như công việc làm ăn của doanh nghiệp.
Rủi ro về bảo mật thông tin và rò rỉ dữ liệu nhạy cảm
Tin tặc có thể tạo ra video deepfake giả mạo các cuộc họp trực tuyến của ban lãnh đạo hoặc các phòng ban quan trọng nhằm đánh lừa nhân viên. Với hình ảnh và video giả mạo chuyên nghiệp, kẻ lừa đảo có thể dễ dàng qua mặt nhân viên và yêu cầu họ cung cấp thông tin đăng nhập hoặc mật khẩu bảo mật để xâm nhập vào những tài khoản quan trọng, lấy cắp các thông tin nhạy cảm như chiến lược kinh doanh, dữ liệu khách hàng, hoặc thông tin liên quan đến công nghệ và nghiên cứu của doanh nghiệp.
Hậu quả của các cuộc tấn lừa đảo sử dụng công nghệ Deepfake
- Tổn thất tài chính: Các video giả mạo ban lãnh đạo yêu cầu nhân viên chuyển khoản “khẩn cấp” với lý do đáng tin, khiến cho công ty bị mất mát một khoản tiền lớn vào tay kẻ xấu. Những khoản tiền đã chuyển thường bị rút ra từ các tài khoản không rõ nguồn gốc, làm cho việc truy cứu và thu hồi trở nên vô cùng khó khăn, thậm chí không thể khắc phục được.
Thiệt hại uy tín và danh tiếng: Một thông điệp hoặc video deepfake giả mạo có thể khiến khách hàng, đối tác và công chúng nghi ngờ về tính minh bạch và sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp, dẫn đến việc mất khách hàng hiện tại, khó khăn trong việc thu hút khách hàng mới, và ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị thị trường của doanh nghiệp.
- Rủi ro pháp lý và trách nhiệm: Nếu doanh nghiệp không kịp thời nhận biết và xử lý, các hành vi lừa đảo deepfake có thể vi phạm các quy định của pháp luật về bảo mật và an toàn thông tin, dẫn đến việc khởi kiện hoặc phải bồi thường thiệt hại, làm tăng gánh nặng chi phí pháp lý, khiến doanh nghiệp có thể phải đối mặt với các hình phạt hành chính nghiêm trọng.
- Rủi ro an ninh thông tin và rò rỉ dữ liệu: Deepfake có thể được sử dụng như một công cụ để đánh lừa nhân viên, từ đó lấy cắp dữ liệu, thông tin bảo mật nội bộ và các chiến lược kinh doanh quan trọng, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh, gây hại cho các mối quan hệ khách hàng và làm tổn hại đến an ninh tổng thể của doanh nghiệp.
- Tác động tâm lý và nội bộ: Khi các cuộc tấn công deepfake xảy ra, nhân viên có thể cảm thấy bối rối, lo lắng và mất đi niềm tin vào hệ thống bảo mật nội bộ, làm ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc và sự phối hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp.
Các biện pháp phòng chống Deepfake hiệu quả cho doanh nghiệp
Để bảo vệ doanh nghiệp trước nguy cơ từ deepfake, cần chủ động xây dựng một hệ thống phòng chống toàn diện với các biện pháp sau:
Nâng cao nhận thức và đào tạo nhân viên
Doanh nghiệp cần tổ chức các buổi đào tạo định kỳ về nhận diện deepfake và các hình thức lừa đảo liên quan. Ngoài ra, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và truyền thông nội bộ về các công nghệ và xu hướng tấn công mới để nhân viên luôn cảnh giác và có cách xử lý khi gặp sự cố.
Xem thêm: SkillSpar - Giải pháp nâng cao nhận thức an toàn thông tin với đào tạo mô phỏng thực tế
Áp dụng công nghệ phát hiện deepfake
Doanh nghiệp cần đầu tư vào các phần mềm và giải pháp an ninh mạng chuyên dụng giúp phát hiện nội dung deepfake. Đồng thời nên hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạng uy tín để kiểm tra, giám sát an toàn thông tin và các kênh truyền thông của doanh nghiệp.
Tăng cường bảo mật thông tin
Để phòng chống các cuộc tấn công mạng nói chung và lừa đảo bằng kỹ thuật Deepfake nói riêng, doanh nghiệp cần áp dụng và triển khai các biện pháp bảo mật đa lớp, bao gồm xác thực hai yếu tố (2FA) cho các giao dịch tài chính và truy cập hệ thống. Đặc biệt, cần hệ thống lại các kênh giao tiếp công khai với nhân viên nắm giữ tài chính của công ty, sử dụng các kênh liên lạc bảo mật để trao đổi thông tin quan trọng, đặc biệt là các chỉ thị từ ban lãnh đạo.
Xây dựng quy trình xác minh thông tin
Trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch quan trọng nào (chẳng hạn như chuyển khoản tài chính, thay đổi thông tin nội bộ, hay ra quyết định chiến lược), nhân viên cần xác minh thông tin qua các kênh độc lập không liên quan đến kênh ban đầu mà thông tin được nhận (ví dụ: email, cuộc gọi, tin nhắn, hay cuộc họp trực tuyến). Kênh độc lập có thể là số điện thoại cố định, email chính thức được lưu trữ trong hệ thống quản trị của doanh nghiệp, hoặc gặp mặt trực tiếp nếu cần. Đồng thời, thiết lập các chỉ số, quy chuẩn nội bộ để đối chiếu và xác minh tính xác thực của thông tin.
Tăng cường hợp tác với cơ quan chức năng
Doanh nghiệp cần liên hệ với các đơn vị an ninh mạng và cơ quan pháp luật khi phát hiện các hành vi giả mạo, lừa đảo. Tích cực tham gia vào các diễn đàn, liên minh ngành để chia sẻ kinh nghiệm và nhận thông tin cảnh báo sớm từ cộng đồng doanh nghiệp.
Deepfake không chỉ là một công nghệ tiên tiến mà còn là một "vũ khí" nguy hiểm nếu bị lạm dụng. Những hình thức tấn công qua deepfake đã chứng minh rằng, dù là giả mạo lãnh đạo, tấn công truyền thông, giao dịch gian lận hay xâm nhập thông tin nội bộ, đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về tài chính, uy tín và an ninh cho doanh nghiệp. Vì thế, hiểu rõ các cách thức tấn công, nắm bắt ví dụ thực tế và hậu quả cụ thể sẽ giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng các biện pháp phòng chống, từ việc đầu tư vào công nghệ phát hiện deepfake đến đào tạo nhân viên và xây dựng quy trình xác minh thông tin chặt chẽ, qua đó bảo vệ tài sản và danh tiếng trong thời đại số đầy biến động.