Thực trạng an ninh mạng Việt Nam: Hơn 90.000 lỗ hổng được phát hiện

Trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng phức tạp, các lỗ hổng bảo mật đang là quan tâm hàng đầu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vì những nguy cơ tiềm ẩn mà nó có thể mang lại. Theo một thống kê mới nhất của Cục An toàn Thông tin mạng Việt Nam trong tháng 6 đã ghi nhận 90.033 điểm yếu liên quan đến lỗ hổng an toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam. Con số này đang tăng nhẹ so với 3 tháng trước đó, lần lượt là 88.990, 89.351 và gần 89.400 lỗ hổng được ghi nhận.

Ngoài ra, hệ thống giám sát, rà quét từ xa cũng đã phát hiện hơn 1.600 lỗ hổng liên quan đến bảo mật trên 5.000 hệ thống đang mở công khai trên khắp mạng Internet trong tháng 6 vừa qua. Điều đáng chú ý,  trong số này có 12 lỗ hổng mới được công bố  với mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng và đáng báo động.

Theo thông tin từ các chuyên gia về An toàn thông tin, đối tượng tin tặc tấn công có thể lợi dụng, xâm nhập và khai thác các lỗ hổng bảo mật dữ liệu tồn tại trên các sản phẩm và dịch vụ phổ biến mà một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang sử dụng.

Để bảo vệ an toàn thông tin, Cục An toàn thông tin khuyến nghị các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trên toàn quốc cần:

  • Thực hiện kiểm tra toàn diện và rà soát: để xác định kịp thời những lỗ hổng an toàn thông tin đã được các chuyên gia và cơ quan an ninh mạng đã công bố có ảnh hưởng đế các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đang sử dụng không.
  • Đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời: Nếu hệ thống bị ảnh hưởng bởi các lỗ hổng, các đơn vị cần nhanh chóng đưa ra biện pháp khắc phục để bảo vệ an toàn thông tin dữ liệu một cách trọn vẹn nhất.
  • Liên tục cập nhật thông tin mới về các lỗ hổng trong an toàn thông tin và những xu hướng tấn công phổ biến trên không gian mạng, nhanh chóng nắm bắt, triển khai các phương án phòng ngừa phù hợp.

Các chuyên gia về bảo mật cho rằng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tại Việt Nam cần thường xuyên đánh giá hệ thống an toàn thông tin, chủ động xây dựng kịch bản, quy trình ứng phó khi có các tình huống xấu. Đồng thời, tăng cường việc triển khai các giải pháp an ninh mạng  nhằm chủ động rà quét, kịp thời phát hiện và khắc phục nhanh chóng nguy cơ, lỗ hổng, điểm yếu bảo mật của hệ thống.

Các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường tổ chức các công tác kiểm tra định kỳ, đánh giá an toàn thông tin và thường xuyên săn lùng mối nguy hại để phát hiện, loại bỏ những nguy cơ với hệ thống, bao gồm nguy cơ mới và cả những lỗ hổng, điểm yếu đã nhận diện nhưng chưa được vá trên hệ thống.

Trong hướng dẫn gần nhất về 6 giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hiệu quả trong các công tác đảm bảo an toàn thông tin và phục hồi nhanh chóng, đưa hệ thống trở lại hoạt động sau sự cố, Bộ TT&TT cũng đã lưu ý các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp phải rà soát, khắc phục và không để mất an toàn hệ thống thông tin từ những lỗi cơ bản.

Những con số thống kê và khuyến nghị trên cho thấy thực trạng bảo mật hệ thống thông tin tại Việt Nam đang ở mức báo động. Chủ động nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp bảo mật hiệu quả để bảo vệ an toàn thông tin là việc mà các tổ chức, doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện ngay, tránh những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng.

Tham khảo từ nguồn: Vietnamnet.vn