You can always become better

“You can always become better”,  tôi xin mượn lời của golf thủ xuất sắc nhất thế giới Tiger Woods để mở đầu bài viết này.  Có thể nói việc viết theo đơn đặt hàngluôn là điều khó khăn, nhất là trong việc đi tìm “mạch” viết. Nhưng may mắn thay, câu nói này đã giúp tôi dễ dàng khởi đầu bài viết với thật nhiều ý tưởng.
Tôi và Golf
“You can always become better”, bạn luôn có thể chơi tốt hơn, cũng là câu ngắn gọn nhất mà tôi có thể dùng để giải thích tại sao golf lại hấp dẫn đến thế. Dù bạn vừa kết thúc một lỗ golf, một vòng golf, một buổi tập hay đơn giản hơn, chỉ là một cú đánh bóng thông thường, bạn luôn có cảm giác rằng mình có thể sẽ chơi tốt hơn ở lần sau. Nếu bạn đang chơi tệ hơn bình thường, bạn sẽ nghĩ là mình sẽ nhanh chóng lấy lại phong độ như trước. Nếu bạn đã chơi tốt, bạn lại nghĩ cuối cùng mình đã tìm được “bí kíp” và chắc là mình sẽ còn tốt hơn nữa. Cứ thế golf cho bạn niềm hy vọng, niềm tin sẽ vượt qua chính bản thân mình. Golf thôi thúc bạn tập luyện, thôi thúc bạn ra sân, thôi thúc bạn đầu tư thật nhiều thời gian, tiền bạc… Và bạn đam mê golf lúc nào không hay.
Trước đây, tôi cũng không nghĩ là mình sẽ tập chơi golf. Trong mắt tôi, bóng đá luôn là số 1. Thế rồi một chấn thương khiến tôi không thể chơi bóng nữa, tennis cũng khá rủi ro với cái đầu gối không còn như xưa. Tôi trải qua gần hai năm thật nặng nề khi sống và làm việc mà không thể thao. Thế nhưng khi phong trào golf trong công ty được anh Đồng khởi xướng, tôi vẫn đứng ngoài suốt cả thời gian đầu. Tôi vẫn nghĩ golf không hợp với mình (chính xác hơn là mình không hợp với golf). Chỉ đến khi nhận được thêm những lời “rủ rê” kèm đôi chút “bắt buộc” của anh Linh, tôi chợt nghĩ tại sao mình lại không thử?!Và thế là cũng như mọi người, đã thử với golf thật khó dứt ra được.
Đến với golf, tôi tìm thấy cho mình sự cân bằng rất cần thiết mà mình đang thiếu. Với sức khỏe, chỉ riêng cái cảm giác mình còn có thể chơi tốt một môn thể thao đã là một phương thuốc vô giá. Với công việc và cuộc sống, golf là cách để giảm stress cực kỳ hiệu quả. Không cần phải ra sân, chỉ cần đi đến sân tập, vung gậy vụt hơn trăm quả cho toát hết mồ hôi là cũng thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn rất nhiều.
Trước đây tôi không nghĩ chơi golf là khó. Chỉ đến khi cầm gậy rồi tôi mới hiểu tại sao các tay golf chuyên nghiệp lại có thể kiếm tiền nhiều đến thế. Vì golf quá khó và quá phức tạp.  Thử so sánh để hình dung vui như thế này: với bóng đá bạn có đồng đội, quả bóng thì to, khung thành cũng to, nhiều khi bạn muốn sút về bên trái mà bóng bay sang bên phải mà vẫn ghi được bàn thắng, nhiều khi thậm chí bạn ghi được bàn thắng vì có ai đó đá bóng trúng vào chân bạn J! Tennis cũng vậy, dù bạn phải đánh một mình nhưng quả bóng thì to (to hơn bóng golf nhiều), cây vợt cũng to không kém.  Trái bóng golf thì nhỏ, đầu gậy thì cũng nhỏ (chỉ lớn hơn trái bóng 1 chút), cái lỗ golf mà bạn phải đánh bóng vào lại càng nhỏ hơn nữa(đường kính chưa tới 10cm). Quan trọng nữa là sân golf thì muôn hình vạn trạng với địa hình khác nhau, kích thước khác nhau, độ khó với cách bố trí các lỗ golf, fairway, bunker (hố cát), hồ nước… khác nhau chứ đâu có cái nào cũng có tiêu chuẩn được quy định chung như sân bóng hay sân tennis.
Ở golf động tác vung gậy để đánh bóng đòi hỏi sự tập trung cao độ về tinh thần và phối hợp nhịp nhàng, chính xác về vị trí và tốc độ giữa chân, tay, đầu, vai, hông… nói chung là toàn bộ cơ thể.  Chỉ cần 1 sai lệch nhỏ trong sự phối hợp này cũng khiến bạn đánh hỏng. Vì vậy mặc dù bạn chỉ dùng tay để đánh bóng nhưng “If you think your hands are more important in your golf swing than your legs, try walking a hole on your hands”. Đây là câu nói của Gary Player, tay golf đã chín lần vô định các giải Major (tương đương Grand Slam với Tennis).
Sẽ có bạn nói là tuy khó vậy nhưng chơi golf các bạn được “ngắm nghía” tùy ý chứ không phải “quyết định trong chớp mắt” như trong bóng đá hay như các môn thể thao đối kháng khác. Đó cũng là điểm khác biệt của golf với các môn thể thao khác trên sân đất khác. Sở dĩ phải nói cụm từ“trên sân đất” để không so sánh với các môn thể thao trí tuệ (kiểu cờ vua, cờ tướng) hay các môn thể thao trên bàn (như bóng bàn, bida…) khác. Tuy nhiên nếu ai đã từng chơi golf sẽ hiểu đối diện với chính bản thân mình còn khó khăn hơn đối diện với đối thủ khác nhiều lần. Bạn có thể cứng rắn và mạnh mẽ hơn khi đối diện với người khác nhưng rất dễ mềm yếu với chính bản thân bạn. Bởi vì chỉ có bạn biết rõ những điểm yếu của mình và khi chuẩn bị vung gậy lên, trong thâm tâm bạn thường lo rằng điểm yếu đó sẽ bị lộ diện. Thời gian để “ngắm nghía” càng nhiều đồng nghĩa bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn và càng có nhiều sự lựa chọn bạn lại càng khó khăn trong  quyết định của mình.
Điều đó khiến golf thực sự là môn thể thao của cảm xúc. Cái cảm xúc không bùng nổ ra bên ngoài như bóng đá, bóng bầu dục…mà là sự tranh đấu, kìm nén và chế ngự cảm xúc ở bên trong của mỗi golfer. Đánh golf không được quá chủ quan, nhưng cũng không được quá nhút nhát, không được quá căng thẳng, cũng không  được quá thả lỏng. Tự tin mà không tự kiêu, thoải mái nhẹ nhàng nhưng không dễ dãi, biết rút kinh nghiệm nhưng không được quá bận tâm bởi những “thành”, “bại” của quá khứ… thật khó lắm thay.
Thật khó thể nói hết được tất cả những khía cạnh của golf, cả mặt trái lẫn mặt phải. Tôi chỉ viết  ra đây một ít những cảm nhận của mình sau 1 năm làm quen với golf. Gần đây, dù rất bận rộn tôi vẫn dành 2 buổi 1 tuần cho việc tập luyện và thỉnh thoảng vẫn ra sân. Nhiều khi muốn được có nhiều thời gian hơn để “become better in golf” nhưng bây giờ còn nhiều thứ khác cũng quan trọng không kém. Thôi thì cứ “hài hòa” theo giá trị cốt lõi của HPT, để ”become better in my jobs, and my life also”.
HGC và Golf

CLB Golf HPT
Đến bây giờ mới đến phần chính mà Hotnews đặt hàng. Như các bạn cũng biết CLB Golf HPT, với tên gọi tắt là HGC – HPT Golf Club  vừa được thành lập và ra mắt vào đầu tháng 6 vừa qua sau gần 6 tháng chuẩn bị. Đây cũng là thời gian chuẩn bị kỷ lục của 1 CLB của HPT. Việc trì hoãn thì có rất nhiều lý do: số lượng thành viên, thống nhất quy định, điều lệ... nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề về kinh phí và cách thức tổ chức để làm sao dung hòa được các yếu tố về thời gian, mức độ tài trợ của Công ty, mức độ đóng góp của các thành viên.
Ngoài mục tiêu thông thường của một CLB là tạo sân chơi cho các golfer của HPT,  HGC được thành lập với mong muốn tổ chức và tham gia các hoạt động giao lưu nhằm tạo sự đoàn kết gắn bó trong tập thể HPT cũng như tạo mối quan hệ với các khách hàng, đối tác, tổ chức xã hội, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hỗ trợ công tác kinh doanh.  Hiện tại hầu hết các đối tác và khách hàng lớn của HPT đều đã chơi golf và về trình độ thì đa số đều đã vượt các golfer của HPT khá xa. Vì vậy việc thành lập CLB để mau chóng xây dựng phong trào, nâng cao trình độ để có thể “win-win” với khách hàng và đối tác là rất cần thiết.
Một mục tiêu không nói ra nhưng vẫn được các golfer thống nhất với nhau là tham gia HGC để “giảm nhậu”. Thay vì trước đây lâu lâu anh em lại phải họp “hội 2 chai” (tức ít nhất là 02 chai, còn cao nhất thì ko quy định) thì anh em kéo nhau đi đánh golf chẳng hạn. Dù cuối cùng thì vẫn cần đến vài chai để giải khát nhưng như vậy cũng đã lành mạnh và tốt cho sức khỏe hơn nhiều. Nếu so với việc ngồi 1 chỗ rồi uống cả chục chai thì việc đi bộ cả chục cây số, vung gậy cả trăm lần rồi uống…12 chai (thêm 02 chai vì ban đầu khát quá) vẫn tốt hơn nhiều.
Hiện tại, HGC có 13 thành viên, 09 ở TP. HCM và 04 ở Hà nội. Do đặc thù của golf và điều kiện hiện tại nên đa số các thành viên của HGC đều là các CBQL của HPT. Chủ nhiệm hiện tại của CLB là anh Đinh Hà Duy Linh, một người như chính anh thừa nhận là “chưa từng đam mê một môn thể thao nào trước khi đến với golf”. Người có thâm niên chơi golf lâu nhất là anh Ngô Vi Đồng (trên 02 năm), còn lại đều từ 1 năm trở xuống. Đặc biệt HGC có 02 thành viên nữ là chị Hàn Nguyệt Thu Hương và chị Võ Thụy Cam Tuyền để bảo đảm có thể “take care” khách hàng nữ của HPT một cách chu đáo hơn.
Nhìn chung HGC đã được tổ chức bài bản, có điều lệ, nội quy rõ ràng, có kinh phí ổn định và có các thành viên tâm huyết. Tuy nhiên cái khó của HGC là thời gian để sinh hoạt. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, sức ép về công việc khiến nhiều thành viên của CLB không thể sắp xếp thời gian để tập luyện và ra sân. Điều này càng làm cho mục tiêu “giảm gậy” của HGC thêm khó khăn khiến độ vênh về trình độ giữa HGC và bên ngoài sẽ không thể rút ngắn nhanh như mong muốn.
Trong giai đoạn đầu, HGC chỉ cố gắng duy trì sinh hoạt 1 tháng/ 1 lần tại các sân golf tiêu chuẩn như Twin doves (Bình Dương), Long Thành, Sông Bé… Rõ ràng với tần suất như thế này nếu chỉ dựa vào HGC thì sẽ rất khó cho các thành viên nâng cao trình độ. Mỗi thành viên phải cố gắng tự tập luyện thêm hay tập luyện theo nhóm. Một số thành viên thậm chí còn phải cần tập lại từ đầu với các HLV chuyên nghiệp vì các động tác đã bị sai cơ bản.
Mục tiêu chuyên môn của CLB chỉ là làm sao cho các thành viên vượt qua mức “trung bình yếu” là đánh 18 lỗ không vượt quá 100 gậy (so với 71 hay 72 gậy tiêu chuẩn). Nhưng ngay cả mức đó bây giờ cũng đang là thách thức với tất cả các thành viên. Đúng là “không có gì xuống chậm hơn golf handicap” trong khi hành trình với golf lại là một hành trình không có điểm dừng. Một bài toán khó chưa có lời giải…
Tôi sẽ tiếp tục cập nhật với tất cả các bạn hành trình của các golfer HPT trong các bài viết sắp tới khi hoạt động của HGC  đi vào ổn định.
Điều cuối cùng tôi muốn nói để kết lại bài viết này là dù nhiều người vẫn nói rằng “golf is life” thì cuối cùng golf cũng chỉ là 1 trò chơi. Một trò chơi thì có thắng có thua nhưng làm sao để mỗi người dù thắng, dù thua đều có thể “chơi” thực sự. Và quan trọng hơn nữa là làm sao chơi để “become better”.
Hope that we will become better, together!
Nguyễn Quyền
Giám đốc Công nghệ HPT