Mỗi lần đem báo Hotnews về nhà là bé Thư, cháu tôi, lại tíu tít chạy lại mượn tờ báo để xem hình. Gần 3 tuổi, chưa biết đọc chữ, nhưng bé rất thích làm ra vẻ người lớn, thích cầm và xem chăm chú những tờ báo, quyển sách mà người lớn thường xem (nhưng thật ra là chỉ xem hình mà thôi). Bé rất thích cầm tờ Hotnews – tờ báo mà bé thường hay gọi là “báo của Công ty Út làm” – để xem hình, và hỏi nào là hình này là hình gì? Đây là ai? Chụp ở đâu? Cô/ Chú đó đang làm gì vậy?... Và còn rất nhiều câu hỏi rất trẻ con khác. Có lần mẹ tôi chọc, chỉ vào một tấm hình tập thể trong báo và hỏi bé Thư có trong hình này không? Bé nhìn mãi và sau đó lắc đầu, quay sang hỏi tôi: “Út ơi, tại sao không có hình con trong này?”. Và từ đó trở đi, mỗi lần xem hình trên Hotnews, trong số các câu hỏi của bé, lại có thêm một câu hỏi thường trực là sao không có hình con trong này, kèm theo đó là một gương mặt phụng phịu rất đáng yêu. Vì vậy, nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, tôi quyết định tặng bé một món quà nho nhỏ: một bài báo kèm theo tấm ảnh của “thiên thần nhỏ” trong gia đình tôi.
Do tính chất công việc của anh chị tôi mà ngay từ khi mới sinh, bé đã ở suốt với ba mẹ và tôi. Là cháu đầu lòng trong gia đình, nên bé rất được mọi người cưng chiều, đặc biệt là ba tôi. Vì vậy, mỗi khi bé làm sai chuyện gì, biết rằng sẽ bị la là bé liền chạy lại ôm chầm lấy chân ông ngoại để “thú tội” trước, kèm theo đó là câu nói muôn thuở với giọng ngọng nghịu: “Con xin lỗi ông ngoại, từ nay về sau con hông dám phá như vậy nữa!”. Cả nhà tôi những lúc vui, thường hay chọc bé là COCC (Con ông cháu cha), mới tí tuổi mà đã có tư tưởng “ô dù” rồi. Tuy nói là cưng, nhưng thật ra nhà tôi cũng rất nghiêm khắc dạy dỗ bé. Trẻ con ở cái tuổi lên 3 này thường rất bướng bỉnh, vì vậy, người lớn phải rất tâm lý, không thể quá chiều theo nhưng cũng không thể dùng roi vọt để dạy dỗ được. Vừa cương vừa nhu, vừa phải cứng rắn, vừa phải dùng lời lẽ ngon ngọt và tìm những từ ngữ, ví dụ thật đơn giản, dễ hiểu để phân tích cho một đứa bé lên 3 hiểu, nhận ra lỗi sai của mình. Thế mới biết công việc dạy dỗ một đứa trẻ quả thật là không đơn giản chút nào. Nhưng bé cũng rất ngoan, sau một hồi giải thích thì bé cũng biết sai và chịu xin lỗi một cách “tâm phục khẩu phục”, đồng thời quàng tay ôm chầm lấy cổ người lớn và nói với giọng nhõng nhẽo: “Bà ngoại/ Út ơi, bà ngoại/ Út thương con nhất nhà nha.” Và chỉ cần đợi câu trả lời: “Ừ, bà ngoại/ Út thương con nhất nhà, nhưng mà con phải ngoan”, là lập tức bé “Dạ!” rõ to, đồng thời, hôn thật “kêu” vào má, kèm theo một câu nịnh: “Con thương bà ngoại/ Út nhiều trong tim quá à”. Chỉ cần thấy những hành động và nghe câu nói rất dễ thương đó thì dù đang giận cách mấy cũng phải phì cười.
3 tuổi, cái tuổi mà bé đã bắt đầu biết nhận thức, biết tìm hiểu mọi vật xung quanh. Vì vậy, bé rất thích đặt những câu hỏi mà nhiều lúc, người lớn cũng bị “bắt bí”, không biết câu trả lời là như thế nào. Có lần, tôi chở bé sang nhà bà dì ở đường Huỳnh Đình Hai chơi, đang hát líu lo trên xe, bé bỗng quay sang hỏi: “Út ơi, đây là đường gì vậy Út?”, khi nghe tôi trả lời đó là đường Huỳnh Đình Hai, bé im lặng ra chiều nghĩ ngợi, rồi lại quay sang hỏi: “Ủa Út ơi, vậy đường Huỳnh Đình Một ở đâu vậy Út? Rồi có đường Huỳnh Đình Ba, Huỳnh Đình Bốn không Út? Còn đường Huỳnh Đình Năm nữa?”
Nhân dịp 1/6 vừa rồi, tôi hứa sẽ dẫn bé vào Công ty chơi. Thế là hôm trước đó, bé cứ tíu tít cả ngày, hỏi con được vào Công ty Út rồi hả? Vậy là con lớn rồi hả? Và còn làm ra vẻ người lớn, nói với bé Na hàng xóm (nhỏ hơn bé Thư 5 tháng) là: “Ngày mai Thư được vô Công ty Út chơi nè, tại Thư lớn rồi, Thư ngoan nên mới được đi đó. Na ở nhà cũng ngoan nha, rồi Thư đem quà về cho Na chơi chung ha!”. Từ Công ty trở về, bé tíu tít khoe với ông ngoại và ba mẹ ở Công ty Út vui lắm, nào là được chụp hình chung với chuột Mickey nè, nào là được cho bong bóng nè, nào là được leo lên “căn nhà gì mà nhún nhún chơi” nè, nào là được chuột Mickey tặng quà, và còn được xem các chị múa hát nữa, vui lắm. Sau đó, bé còn quay sang năn nỉ tôi: “Út ơi, mai mốt bé Thư ngoan, Út dẫn bé Thư vô Công ty Út chơi nữa nha”.
Và còn rất, rất nhiều những chuyện vui khác về bé mà e rằng trong khuôn khổ bài viết này, tôi không thể nào kể hết được. Từ khi có bé, căn nhà tôi mỗi ngày đều tràn ngập tiếng cười. Ba mẹ tôi lúc nào cũng tất bật để lo cho “con chuột ngọc” của gia đình nhưng trong đôi mắt lại ánh lên niềm vui và hạnh phúc. Bé trở thành “trung tâm”, thành “đề tài” để ba mẹ tôi kể cho anh chị và tôi nghe vào mỗi bữa cơm gia đình. Dường như bé đã trở thành chiếc cầu nối vô hình, gắn kết các thành viên trong gia đình tôi ngày càng chặt hơn. Cám ơn con rất nhiều, “thiên thần nhỏ” của gia đình...
Lưu Hoàng Lan
P. Nhân sự -Chất lượng
Văn phòng Tổng Công ty