Ngày đầu tiên đến công ty, anh TiếnMX – bộ phận HR cười nói với tôi: “Hiếm khi team HAS có mặt đông đủ như hôm nay, em tranh thủ làm quen với mọi người đi nhé, chứ không thì sau này lại khó gặp mọi người!” Lúc đó tôi thấy khó hiểu vì sao anh ấy lại nói “hiếm khi”, nhưng sau đó, tôi dần hiểu ra. Do đặc thù công việc, nên ngoại trừ nhân viên văn phòng back office như tôi, còn lại mọi người đều đi triển khai on-site tại trụ sở của khách hàng. Vì lẽ đó mà chỉ ít ngày trong tháng, team HAS của chúng tôi mới có đông đủ thành viên. Nghe các anh chị kể, có đợt còn mấy tháng không về văn phòng ngày nào, mọi người có khi còn quên mất mình là thành viên trong công ty. Chắc có lẽ vì thế, mà anh Việt Anh – Giám đốc HAS muốn tôi viết bài viết này.
“Anh muốn mọi người đều biết HPT là công ty nơi chúng ta làm việc, đặc biệt là Ban giám đốc và tập thể HAS luôn quan tâm đến các bạn, dù các bạn làm việc ở đâu, để các bạn không cảm thấy bị lạc lõng khi làm việc tại trụ sở của khách hàng trong thời gian dài…” – Đó là lời dặn khi Sếp giao cho tôi viết bài.
Sau buổi họp hàng tuần với khách hàng, tôi đến gặp anh Long, người đang bận bịu với các tập Testcases, tôi nhớ chắc phải đến cả tháng rồi anh chưa về công ty làm việc ngày nào. Anh đang theo Dự án ECM của Ngân hàng Vietcombank- một khách hàng lớn của chúng tôi- đến giai đoạn Test – Golive, thời điểm quyết định thành bại của dự án.
“Em chào anh!” – Tôi cười.
“Vào đề luôn đi cô.” – Anh Long liếc tôi thở dài. Tôi cũng chẳng lạ khi anh nhìn tôi với biểu cảm như vậy. Anh luôn đau đầu vì mỗi khi tôi tìm anh đều là vì tôi cần anh ấy giải đáp gì đó, mặc dù tôi đã nhiều lần giải thích những câu hỏi của tôi thực ra 80% là biết câu trả lời, chỉ hỏi anh để kiểm định tính đúng sai, nhưng anh vẫn mặc định tôi tìm anh là để hỏi.
“Thôi nào, hôm nay em không hỏi mà muốn phỏng vấn anh! Đừng hỏi vì sao nhé. Anh nêu cảm nghĩ về dự án anh đang thực hiện được không?”
Anh Long dù ngạc nhiên nhưng vẫn hợp tác trả lời: “Dự án ECM anh đang làm là một trải nghiệm mới đối với anh, về cả chuyên môn, nghiệp vụ và khách hàng. Tuy không phải là khách hàng mới nhưng qua dự án này anh có thể hiểu sâu hơn về nội bộ quy trình của khách hàng, bổ sung thêm được nhiều kiến thức mới.”
Tôi thầm tán thưởng “câu trả lời theo chuẩn form mẫu” của anh, hỏi tiếp: “Anh onsite ở bên khách hàng bao lâu rồi anh nhỉ? Anh có thể nói em nghe anh cảm thấy thế nào khi làm việc ở đây không?” Anh Long: “Chắc vài tuần gì đó anh không để ý. Làm việc onsite ngày đầu thì thấy lạ, nhưng lâu dần thì trở nên quen thuộc, thành đặc trưng của công việc rồi em! Làm việc ở đây tuy không thoải mái như ở công ty mình, nhất là mấy tuần nay dịch bệnh, quản lý nghiêm ngặt hơn, nhưng làm quen rồi anh thấy ok! Chỗ làm tại khách hàng cũng có điểm thuận tiện cho dự án và tiện gặp khách hàng liên tục, ngoài ra cũng tạo sự tin tưởng cho khách hàng khi thấy mình và đội triển khai đang ở đó. Sự thoải mái là do anh cố gắng tự tạo ra không quá phụ thuộc vào môi trường làm việc!”
“Anh thích đi làm onsite hơn hay làm tại công ty hơn?” Tôi hỏi. Anh suy nghĩ một lúc rồi mới trả lời. Nhìn anh ngồi suy nghĩ, tôi chợt hiểu sao tôi lại vô thức hay đi hỏi anh mỗi khi gặp vấn đề, anh Long có một vóc dáng và một kiểu tóc mà theo tôi liên tưởng, giống phong thái của mấy nhà bác học thông thái, với chiếc mắt kính làm cho người đối diện có cảm giác anh luôn có câu trả lời. “Với anh làm ở đâu cũng như nhau, khi cần thiết thì chỗ nào thuận tiện thì làm, nhất là công việc BA của anh cần gặp khách hàng nhiều để tìm hiểu nhu cầu của họ về sản phẩm mà mình triển khai, onsite sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ, nhưng nhiều khi thấy về công ty làm việc với team của mình thì thấy vui hơn!” Tôi gật đầu nói cảm ơn anh Long, nghĩ thật không uổng chọn anh làm đối tượng đầu tiên để hỏi, tôi hỏi một anh trả lời luôn hai ba, đỡ cho tôi biết bao nhiêu công suy nghĩ. Tôi chợt nhớ đến lời của chị Trang – người bàn giao cho tôi công việc Quản trị Hợp đồng này, “Cái gì không biết em cứ hỏi anh Long” thật không sai. “Thế hỏi hết chưa, em đang làm gì vậy?” “Rồi em nói anh sau!” Tôi cười cười.
Thứ Năm hàng tuần tôi luôn có lịch họp cố định với bên Ngân hàng MB về một dự án dài hơi triển khai hệ thống IAM. Dự án mới chỉ đến giai đoạn phát triển, hai anh Đại và Dũng – DEV của bên tôi làm việc onsite ở đây đã lâu, có lẽ từ trước khi tôi vào làm việc, vì tôi nhớ tôi ít cơ hội gặp hai anh, trừ khi đi họp. Tôi thấy mấy dự án khác, đội kỹ thuật đi làm onsite thường có 4 - 5 người, nhưng với dự án IAM này, lại chỉ có hai anh làm việc, các anh bảo team chia ra theo các dự án khác nữa rồi, chỉ có hai anh phụ trách vai trò DEV cho dự án này. Sẵn dịp, tôi ngồi trò chuyện luôn với cả hai anh.
“Anh Đại, anh Dũng, em hỏi hai anh chút nha!” “Cô nương muốn chúng tôi giải đáp thắc mắc gì?” Anh Đại nói đùa. Phải đến khi thật sự làm việc, tôi mới hiểu rõ hơn về con người và tính cách của người anh đồng nghiệp này, tôi với anh thường trêu đùa nhau khi gặp mặt, tôi gọi anh là “Đồng chí”, “Vị huynh đài”, còn anh gọi tôi là “Cô nương”. Chúng tôi thường xuyên có những câu chuyện không đầu đuôi “ông nói gà bà nói vịt”, nhưng tôi biết khi bắt tay làm việc anh cũng rất nghiêm túc.
“Em thấy dự án này làm từ năm ngoái, khó dữ lắm hả anh, anh cho em chút nhận xét về dự án được không?” Tôi thắc mắc. “Sao tự nhiên em hỏi vấn đề này, dự án này nói khó chỉ là một phần thôi, không khó về kỹ thuật, mà khó vì liên quan nhiều phòng ban, đơn vị, việc liên kết lại rất là phức tạp vì mỗi đơn vị một cách làm việc khác nhau, hơn nữa còn phát sinh công việc ngoài dự kiến!” Anh Dũng giải thích với tôi. So với anh Đại, anh Dũng chững chạc hơn một chút, trầm tính hơn một chút, nhưng cũng thi thoảng hưởng ứng câu chuyện đùa của tôi, vì thế tôi cũng khá quý anh.
“Các anh làm onsite ở đây lâu rồi, vậy có cảm xúc gì không nói cho em nghe một chút!” “Cảm xúc gì?” Hai anh khó hiểu nhìn tôi. “Thì chính là nhận xét chút về nơi làm việc, rồi cảm thấy thế nào khi làm onsite đó anh.” Tôi hỏi kỹ hơn. “À à, cô nương nhìn đi, ở đây chỉ có anh và anh Dũng, nhân viên MB chuẩn bị chuyển sang nơi làm việc mới, chiều nay là dọn đi hết, còn mỗi bọn anh ở đây, bình thường đã buồn vì làm việc ở khách hàng chỉ có hai người, giờ khách hàng cũng đi hết, lại không được về công ty. Hơn nữa, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ngân hàng thì người ra người vào đông đúc, đáng lo ngại lắm, anh chỉ biết tự cố gắng phòng tránh đến đâu hay đến đó thôi.” Anh Đại như được cơ hội than thở với tôi, tôi nhìn xung quanh nơi anh ngồi làm việc, người đi qua đi lại dọn đồ đạc để di dời đi, tạo nên một khung cảnh ồn ào khó mà tập trung được.
Nhìn hai gương mặt trùm kín khẩu trang y tế, tôi cũng đồng cảm với hai anh. Sau đó chúng tôi nói một chút về thông tin cập nhật về dịch bệnh mấy ngày nay. Hiếm có năm nào lại khởi đầu bằng một đại dịch nguy hiểm như năm nay, nguy hiểm mà khó lường. Sau này khi có con cái, tôi sẽ kể cho chúng nghe về một năm 2020, năm mà học sinh có kỳ nghỉ tết dài khó quên, còn người lớn thì đi làm với một nỗi lo mang tên Covid-19. Chưa kịp hỏi về vấn đề cuối cùng, tôi đã nghe anh Đại say sưa kể tiếp. “Anh muốn làm việc remote (làm việc từ xa). Nhưng mà cũng khó, vì đặc thù môi trường ngân hàng liên quan đến chính sách bảo mật. Cũng đã đề xuất nhưng khách hàng không đồng ý vì chính sách bên họ không cho phép. Mấy ngày dịch cao điểm bắt buộc phải ở nhà thì đành phải sắp xếp công việc lại, đưa những việc có thể làm online lên trước. Bên khách hàng thì không có mạng, không đầy đủ đồ tiếp tế như công ty mình, môi trường lại không được yên tĩnh, nhưng phải chấp nhận quen thôi cô ạ! Vẫn là làm việc ở công ty thích hơn, không đâu bằng “nhà mình”!” anh thở dài.
Tôi cười thầm vì biết đồ tiếp tế mà anh nhắc đến có lẽ là chiếc tủ lạnh đầy đồ ăn mà mọi người trong công ty hay mang đến để góp vui, hay những buổi chiều cùng gọi order trà sữa. Anh Đại còn có niềm vui trồng cây ở nơi làm việc, anh trồng cây khoai lang, nói là để “tăng gia sản xuất”. Khi onsite anh có nhắn tôi thi thoảng ngó giúp anh, sau vài ngày tôi thông báo cái cây con của anh không qua khỏi, anh buồn mất mấy hôm. Sau một lúc trò chuyện, tôi chào hai anh để quay về công ty làm việc. Khi anh Dũng còn đang chưa hiểu vì sao lại có cuộc nói chuyện này, thì “đồng chí” Đại đã cười nói với theo: “Nhớ chia phần trăm bài cho anh đấy!”. Khác với anh Long, người đồng nghiệp này lại thường biết được tôi nghĩ gì, định làm gì, nên khi tôi chưa kịp hỏi anh đã giải đáp giúp tôi hoặc trả lời luôn “không biết”. Vì vậy nên dù khoảng cách tuổi không nhỏ, tôi và anh thường có suy nghĩ giống nhau.
Hình ảnh Góc làm việc của team onsite tại trụ sở của khách hàng trong thời điểm dịch bệnh Covid
Điểm cuối cùng mà tôi đến, là Ngân hàng Techcombank. Lại là dự án dài hơi khác mà HAS chúng tôi triển khai cho vị khách hàng được xem là khó tính này. Hiện đang triển khai không chỉ một, mà đến hai dự án cùng lúc, nên đội ngũ làm onsite của chúng tôi tập trung không ít ở đây. Hai dự án, một đang trong giai đoạn Golive, một đang chuẩn bị Golive, cái nào cũng gấp gáp, nên tôi hoàn toàn có thể nhìn ra sự áp lực trên gương mặt từng người ngồi nơi đây. Những anh chị đồng nghiệp ngồi ở đây, là những người có tầm tuổi xấp xỉ tôi nhất, nên tôi khá dễ dàng kết thân. Tôi chào trong sự bất ngờ của mọi người. “Sao hôm nay lại đến đây, em đi họp à?” Chị Kim Anh hỏi tôi, từ khi tôi vào làm việc, đây là lần ít ỏi tôi nói chuyện với chị trực tiếp, từ mấy tháng gần đây, nơi cố định làm việc của chị là ở bên khách hàng, nên tôi chỉ có thể trao đổi với chị qua điện thoại hoặc online. “Sếp bảo em đến thăm và chăm sóc mọi người, anh chị làm việc vất vả quá ạ!” Tôi cười lắc lắc túi bánh.
Tôi kéo ghế ngồi xuống cùng chị, hôm nay có một vài người đi họp, nên chiếc bàn lớn trống đi một số ghế ngồi. Nơi các anh chị làm việc khá yên tĩnh, ít người đi lại và sạch sẽ, đúng chuẩn Coworking – mô hình công sở phổ biến những năm gần đây. Tôi nhìn quanh những anh còn lại ngồi cùng bàn, những người đang tập trung sau màn hình máy tính để “code”. Đa số là tôi quen mặt, nhưng cũng có những anh tôi không nhớ mặt, thậm chí còn không nhớ tên. Tôi nhớ lúc giao việc, Sếp tôi có nói “Em biết anh Tấn không, anh Nghị không? Đấy nhé, cơ hội để em làm quen hết với mọi người đó, đến cả nội bộ còn không biết đến thành viên của mình, thì sao các bạn ấy không cảm thấy lạc lõng khi làm việc ở chỗ khách hàng.”
Theo hướng chỉ của chị Kim Anh, tôi nhìn thấy anh Tấn, nhìn anh tôi đoán chỉ hơn tôi một hai tuổi, dáng người gầy, mái tóc rối tung vì anh vò đầu suy nghĩ gì đó, còn ngồi cạnh là anh Nghị, tôi nhận ra anh qua một vài cuộc họp. “Em chào anh, chắc hai anh không biết em, em mới vào HAS” Tôi lại gần chỗ anh Tấn và anh Nghị. Anh Nghị cười “Thực ra anh có biết, anh về công ty một vài lần có thấy em, chỉ là chưa nói chuyện thôi. Có việc gì hôm nay sang đây thế?” “Em sang thăm mấy anh làm việc thôi ạ, tại thấy lâu đội Dev không về công ty trống trải quá. Dự án mình triển khai có gì khó khăn không hả anh?”. Tôi hỏi. “Khó khăn thì có nhiều em ạ, căng thẳng áp lực lắm, mấy anh em ở đây ai cũng bạc cả tóc, sếp Nghị nhỉ?” Anh Tấn nửa đùa nửa thật.
Anh Nghị trả lời tôi: “Đây một trong những dự án áp lực nhất, nhiều yêu cầu mà bọn anh chưa gặp bao giờ, đội ngũ nhân sự mỏng nhưng làm nhiều phần việc quan trọng, khối lượng công việc lớn thay đổi so với yêu cầu ban đầu, ai cũng căng thẳng em ạ!” “Chị chỉ mong dự án kết thúc nhanh nhanh để về công ty thôi!” Tiếng chị Hà đằng sau chiếc màn hình máy tính vang lên. Chị Hà lớn hơn tôi 1 tuổi, lúc nào cũng nhẹ nhàng, và sẵn sàng giúp đỡ người khác, bởi vậy mà tôi rất quý chị. Qua trao đổi tôi biết anh Tấn vào công ty được 1 năm, mà nửa thời gian của anh là triển khai dự án này của Techcombank, đủ để thấy dự án là minh chứng cho câu nói “trường kỳ kháng chiến”. Anh Nghị vào HAS lâu hơn và theo anh nhận xét thì anh dành cho dự án này thời gian nhiều nhất, anh kể, từ tháng 10 năm ngoái tính đến nay, anh về công ty chưa đến 10 lần, các anh đã ăn ngủ với dự án hàng tháng trời. Tuy khó khăn là vậy, nhưng mọi người cố hết sức để hợp tác với khách hàng, cả team cố gắng, cùng giữ tinh thần đoàn kết. Anh Tấn nhận xét môi trường làm việc khá chuyên nghiệp, kỷ luật, lại yên tĩnh, nên anh cũng thích làm onsite tại đây, vì anh thích yên tĩnh làm việc, “Công ty mình hiện đang mở rộng, nên có thêm nhiều người, thi thoảng vì thế mà hơi ồn ào, anh không tập trung được.” Anh nói.
Chị Hà tâm sự thêm: “Làm onsite lâu thì cũng không sao, nhưng chỗ khách hàng làm khá chặt, hiện giờ do có Covid, nên đang có luật là không đeo khẩu trang là cho thôi việc luôn, nói chung làm ở công ty có team thì nhanh và thích hơn!” “Ở đây thi thoảng chỉ có vài người, buồn lắm, lại không có mạng, 4G không nhanh, ở công ty còn có thể gọi đồ ăn, đồ uống, thoải mái hơn nhiều!” Đa số mọi người đều cười tán đồng.
Tôi cười hỏi lại: “Vậy anh chị chỉ thích công ty vì có mạng và có đồ ăn thoải mái thôi à?” Chị Hà đáp lời tôi “Không hẳn thế, về công ty còn có team, còn gần với các Sếp, có gì vướng mắc thì mọi người cùng nhau họp giải quyết luôn, các Sếp nhà mình lúc nào cũng quan tâm hỗ trợ, tuy chị biết là có thể gọi cho các anh chị ấy bất cứ lúc nào, nhưng vẫn thấy bất tiện!” Mọi người đều nhìn nhau không nói, nhưng tôi biết ai cũng đồng ý với câu nói của chị Hà. Có thể nói, làm việc onsite là đặc trưng không thể thiếu trong quá trình làm việc của HAS, nhưng dù làm việc ở đâu, theo dự án nào, điều kiện làm việc nơi khách hàng như thế nào, các thành viên HAS chúng tôi đều có thể thích nghi và hoàn thành tốt các công việc, nhưng mọi người đều có một suy nghĩ chung, vẫn là ở công ty làm việc là thấy thoải mái nhất.
“Không đâu bằng “nhà mình”!” Anh Đại hôm đó đã nói với tôi như vậy, mỗi thành viên trong HAS chúng tôi đều xem công ty là nơi thân thuộc, không đơn giản chỉ là nơi làm việc, mà còn là một ngôi nhà lớn, xung quanh không chỉ là đồng nghiệp, mà là người thân. Có lẽ vì thế mà không ai trong chúng tôi tiếc khi dành cả cuối tuần để chạy dự án, dành những thời gian đáng ra nên nghỉ ngơi để cống hiến làm việc, và hơn tất cả, có người đã dành cả thanh xuân cho HAS.
Chẳng phải tự nhiên mà nội bộ HAS có lưu truyền một câu nói bông đùa: “Hôm nay, anh được “về nhà” làm việc!”