Triển khai Giải pháp chuẩn hóa Basel II cho Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)

GIỚI THIỆU VỀ VIB

Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam, tên viết tắt là Ngân hàng Quốc Tế (VIB), được thành lập ngày 18 tháng 9 năm 1996, trụ sở đặt tại 16 Phan Chu Trinh, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đến ngày 31/12/2017, VIB đã trở thành một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam với tổng tài sản đạt 123,2 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ 5.644 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt gần 9.000 tỷ đồng. VIB hiện có hơn 5.000 cán bộ nhân viên phục vụ gần 2 triệu khách hàng tại 162 chi nhánh và phòng giao dịch ở 27 tỉnh/thành trọng điểm trong cả nước.

Là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc cải tổ hoạt động kinh doanh, VIB luôn định hướng lấy khách hàng làm trọng tâm, lấy chất lượng dịch vụ và giải pháp sáng tạo làm phương châm kinh doanh. VIB đã và đang tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, cùng năng lực quản trị điều hành, tiếp tục chú trọng phát triển mạng lưới ngân hàng bán lẻ và các sản phẩm mới thông qua các kênh phân phối đa dạng để cung cấp các giải pháp tài chính trọn gói cho các nhóm khách hàng trọng tâm, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Nằm trong số 10 Ngân hàng vinh dự được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “chọn mặt gửi vàng” để triển khai áp dụng Chuẩn Basel II – một bộ Quy định quốc tế khắt khe về quản lý rủi ro thị trường, tín dụng, vận hành và an toàn vốn, VIB đã quyết định lựa chọn HPT để triển khai “Giải pháp chuẩn hóa Basel II” của BlackIce Enterprise Risk Management Inc. Với việc khởi động dự án này, VIB kỳ vọng sẽ đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của NHNN về tuân thủ Basel II vào cuối năm 2015.

GIẢI PHÁP

“Giải pháp chuẩn hóa Basel II” là một giải pháp mở mang tính tương thích và linh hoạt, có khả năng tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, thực hiện tính toán và phân tích đồng thời đưa ra các báo cáo theo yêu cầu của Basel II cũng như các phân tích quản lý rủi ro tín dụng một cách tổng quát.

Basel là “sản phẩm” của Ủy ban Giám sát các Ngân hàng (the Basel Committee on Banking Supervisions) với mục tiêu chuẩn hóa các quy định về an toàn vốn (CAR) trong hoạt động ngân hàng. Năm 2006, Basel II được ban hành với các chuẩn mực được điều chỉnh sát hơn với thị trường và đảm bảo tính ổn định trong hoạt động của toàn hệ thống.

Việc triển khai Basel giúp chuẩn hóa, cải thiện và lành mạnh hóa lĩnh vực ngân hàng thông qua việc áp dụng các chuẩn mực toàn cầu. Basel được xây dựng trên nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo các ngân hàng duy trì đủ nguồn vốn bù đắp cho các khoản lỗ có thể phát sinh từ những rủi ro mà ngân hàng đang nắm giữ. Basel II - phương pháp tiêu chuẩn được chuẩn hóa và được xem là bước đầu tiến tới phương pháp đánh giá theo độ nhạy cảm rủi ro.

Ngoài mục tiêu ban đầu tạo nên thước đo chuẩn mực để đo lường sức khỏe của các định chế tài chính, Basel đã tổng hợp tạo nên các khung quản lý rủi ro theo thông lệ chung. Theo đó, việc quản lý rủi ro tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được chuyển hóa từ việc quản lý riêng lẻ các nhóm rủi ro (Cấu trúc Silo – ví dụ: Tín dụng, Thị trường, Hoạt động, Thanh khoản…) nay đã trở thành một thể thống nhất với ba trụ cột (3 Pillars) và lượng hóa rủi ro qua khái niệm “tài sản có rủi ro” (Risk Weighted Assets – RWA). Chuẩn mực Basel là bước chuyển hóa cơ bản đầu tiên để TCTD có nhận thức cơ bản nhằm thay đổi phương thức điều hành, đưa ra quyết định kinh doanh tiếp cận từ khía cạnh rủi ro (risk based-approach), phương thức đang được phổ biến rộng rãi trên thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007.

LỢI ÍCH MANG LẠI

Đánh giá toàn diện hoạt động của ngân hàng: Áp dụng Basel cho phép TCTD định lượng được rủi ro cho mọi hoạt động, mọi giao dịch đã và đang phát sinh. Lượng hóa được rủi ro sẽ giúp TCTD lượng hóa được vốn cần thiết cho mỗi giao dịch. Kết quả kinh doanh sẽ được so sánh đối chiếu với mức vốn cần thiết để đảm bảo an toàn, các ngân hàng từ đó có cái nhìn rõ hơn tỷ suất lợi nhuận tương ứng với mức độ rủi ro cho các hoạt động đã phát sinh.

Hoạch định kinh doanh theo khẩu vị rủi ro: Với Basel, mọi rủi ro đều phải được lượng hóa bằng con số cụ thể và con số này sẽ chỉ ra rằng ngân hàng cần bao nhiêu vốn để có thể bù đắp được cho rủi ro. Như vậy, nếu như hiện nay việc hoạch định chiến lược kinh doanh chủ yếu dựa vào lợi nhuận mà hoạt động kinh doanh ấy mang lại, yếu tố rủi ro chỉ tác động ở một mức độ khiêm tốn, thì sau khi Basel được áp dụng, vai trò của rủi ro sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Đây thực sự là điều rất cần thiết cho các nhà quản trị. Basel không chỉ định lượng rủi ro trong hiện tại mà quan trọng hơn là định lượng rủi ro cho tương lai với 1 xác suất chính xác đã được các tổ chức tín dụng trên thế giới chấp nhận. Như thế, các nhà quản trị ngân hàng, tùy thuộc vào nhận định chung, kinh nghiệm và khẩu vị rủi ro sẽ chủ động đánh giá mức độ rủi ro nào được chấp nhận và rủi ro nào cần được điều chỉnh. Các quyết định kinh doanh không chỉ với kỳ vọng từ thị trường mà còn ở chính mức độ rủi ro đã được lượng hóa ngay tại thời điểm đưa ra quyết định kinh doanh. Nói một cách khác, Basel vẽ nên một bức tranh toàn diện với đầy đủ mảng sáng, mảng tối về hoạt động kinh doanh cho các nhà quản trị, giúp cho các nhà quản trị đưa ra quyết định phù hợp.

Phòng tránh rủi ro trong tương lai: Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007, vấn đề các ngân hàng có thể tồn tại hay không trong giai đoạn thị trường khắc nghiệt đã trở thành mối quan tâm lớn. Basel đã bổ sung các đánh giá sức chịu đựng của ngân hàng qua các kiểm nghiệm sức chịu đựng (Stress-Test). Với các cuộc kiểm nghiệm định kỳ, các nhà quản lý hoàn toàn nắm rõ sức chịu đựng của ngân hàng mình dưới tác động của thị trường trong tình trạng khắc nghiệt. Như thế, với nhận thức về rủi ro, các thành viên của thị trường tài chính sẽ phản ứng có trách nhiệm hơn cho tính ổn định của thị trường.

Áp dụng Basel II là bước tiến quan trọng và tích cực của VIB, dưới sự hỗ trợ đắc lực của Ban lãnh đạo và được triển khai bởi đội ngũ kỹ thuật cấp cao, giàu kinh nghiệm của HPT. Việc triển khai thành công dự án này giúp VIB có được một khung quản trị rủi ro tương đương các ngân hàng quốc tế đồng thời có thể vươn tầm cạnh tranh trong khu vực.