Nhân lực cho khoa học dịch vụ: Có bao nhiêu mà hững hờ?

SGTT.VN - Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM đã hoàn tất đề án “Phát triển khoa học dịch vụ tại TP.HCM giai đoạn 2010 – 2020”. Trong đề án này, nội dung quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài những cam kết của tập đoàn IBM trong việc đào tạo chuyên gia lĩnh vực này, nhiều trường đại học đã và đang đào tạo nguồn nhân lực phổ thông (tốt nghiệp đại học) cho ngành khoa học dịch vụ, cụ thể là nhóm ngành công nghệ thông tin.

Còn ít

Về lý thuyết, sinh viên tốt nghiệp khoa học dịch vụ thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin, không chỉ giỏi về khoa học máy tính mà còn biết những kiến thức về dịch vụ đặc thù của ngành công nghệ thông tin. Ảnh: Minh Phúc.

Trong tháng 7, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại TP.HCM như HPT, TMA, CMC… sẽ “xem giò” 57 sinh viên năm thứ tư chuyên ngành khoa học dịch vụ thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin của đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM. TS Vũ Hải Quân, giám đốc trung tâm đào tạo quốc tế của đại học này cho biết: “Khoá đầu tiên đào tạo 57 sinh viên. Đây là những sinh viên đầu tiên tốt nghiệp ngành khoa học này tại Việt Nam”. Cũng theo TS Quân, hiện trung tâm này còn có ba khoá với tổng số 160 sinh viên, gồm 66 sinh viên năm nhất, 58 năm hai và 36 năm ba. Được biết, chương trình này do đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM hợp tác với đại học công nghệ Auckland (AUT, New Zealand) đào tạo. TS Thoại Nam, chủ nhiệm khoa máy tính (đại học Bách khoa TP.HCM) cho biết, ban giám hiệu của trường rất quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực khoa học dịch vụ nhưng trước hết, chỉ đào tạo trình độ thạc sĩ, không đào tạo cử nhân vì “cần nhân lực có trình độ cao hơn cho các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Chúng tôi đã có kế hoạch hợp tác đào tạo với nhiều đại học của Thuỵ Sĩ, Singapore…”, TS Nam nhấn mạnh. Trước mắt, hai khoa máy tính và quản lý công nghiệp của đại học Bách khoa TP.HCM sẽ thực hiện chương trình đào tạo khoa học dịch vụ. “Ngoài ra, trong chương trình đào tạo của các khoa khác, sẽ giới thiệu về ngành khoa học dịch vụ cho sinh viên biết thêm”, TS Nam nói thêm.
Trong kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho ngành khoa học dịch vụ, theo ông Đoàn Hoàng Minh (sở Khoa học công nghệ TP.HCM), còn có đại học Kinh tế TP.HCM tham gia. “Từ nay cho đến hết năm 2012 là giai đoạn chuẩn bị nguồn nhân lực. Khi có nhân lực, sẽ triển khai thử nghiệm ngành khoa học này cho ngành công nghệ thông tin và du lịch trên địa bàn TP.HCM”, ông Minh chia sẻ.

Doanh nghiệp còn thờ ơ


Theo nhận xét của TS Quân, hiện các doanh nghiệp không “mặn mà” với ngành khoa học dịch vụ vì chưa hiểu hết những đóng góp của lĩnh vực này với hoạt động của doanh nghiệp. “Vì chưa hiểu nhiều nên các chủ doanh nghiệp chưa biết phải dùng những cử nhân khoa học dịch vụ như thế nào cho hiệu quả”, TS Quân nhận xét. Ông Ngô Vi Đồng, chủ tịch hội đồng quản trị của HPT xác nhận những nhận xét của TS Quân là chính xác vì khoa học dịch vụ là ngành mới trên thế giới. “Trong khi kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp không thể vừa lo tồn tại vừa vận dụng những cách làm mới cho hoạt động của họ được. Về lý thuyết, khoa học dịch vụ rất cần thiết với sự phát triển của doanh nghiệp nhưng ứng dụng vào lúc này khó lắm”, ông Đồng nói thêm.

Vì chưa hiểu nhiều, biết nhiều về khoa học dịch vụ mà trong kế hoạch của đề án của sở Khoa học và công nghệ TP.HCM có phần khảo sát doanh nghiệp nhưng kết quả không như mong đợi. Phiếu khảo sát đã phát đi nhưng ban biên soạn đề án không nhận hoặc nhận khá ít phiếu phản hồi. Phó giám đốc sở Khoa học công nghệ TP.HCM Phạm Khắc Thanh xác nhận là chưa đủ thông tin khảo sát nhu cầu và hiểu biết của doanh nghiệp về lĩnh vực này. “Sở sẽ tiếp tục làm công việc này. Hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ làm xong công việc khảo sát để có những việc làm tiếp theo phù hợp”, ông Thanh nói thêm.

Đã có (dù chưa nhiều) doanh nghiệp quan tâm đến ngành khoa học dịch vụ bằng cách sẽ kiểm tra trình độ sinh viên đào tạo theo ngành nghề này, sau đó là những đơn đặt hàng tuyển dụng sau khi họ tốt nghiệp (cử nhân khoa học dịch vụ). Nhưng vẫn còn đó những mối lo từ các trường đào tạo: liệu những cử nhân khoa học dịch vụ có đáp ứng được yêu cầu công việc mà doanh nghiệp mong đợi, môi trường doanh nghiệp có đủ đất để những cử nhân đó “múa”? Còn nhiều câu hỏi ngổn ngang!


TRỌNG HIỀN
(THEO BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ . SỐ RA NGÀY 6/7/2011)