Một số xu hướng Công nghệ Thông tin trong năm 2010 và tương lai


Nguyễn Quyền

Phó Giám đốc Trung tâm Tích hợp hệ thống

Từ cuối năm 2009 trở lại đây đã có khá nhiều báo/ tạp chí trong và ngoài nước viết về các xu hướng công nghệ (thông tin) trong năm 2010. Cùng một mục tiêu nhưng mỗi một bài báo lại dựa trên các phân tích dựa trên phạm vi, quy mô khảo sát, đối tượng phục vụ… khác nhau. Điều đó dẫn đến một số khác biệt giữa các kết quả khảo sát và làm cho người đọc dễ tự suy diễn hoặc có cái nhìn chưa đầy đủ về những xu hướng này.

Bài viết này tổng hợp thông tin từ nhiều bài báo tạp chí mà người viết tìm kiếm trên internet, từ các diễn đàn thông tin và từ các đối tác (Cisco, IBM, Microsoft) nhằm giúp cho các bạn, nhất là các bạn kinh doanh và tư vấn có thêm các thông tin bổ ích, cần thiết trong việc tiếp cận và cung cấp giải pháp cho khách hàng.

Phần 1: Tổng quan về sự phát triển của thị trường CNTT

Sau một năm 2009 suy thoái, hầu hết các nhà phân tích trên thế giới đều cho rằng thị trường CNTT trên thế giới sẽ trở lại biểu đồ tăng như những năm trước đây. Tuy nhiên mức tăng này là không nhiều và không phải mảng nào cũng sẽ tăng.

Nghiên cứu của Gartner cho thấy sau một năm suy giảm (-5.2%), năm 2010 mức đầu tư cho CNTT trên toàn thế giới sẽ tăng nhẹ (+3.3), tương ứng với mức tăng từ 3198 tỷ USD lên 3304 tỷ USD. Trong đó mảng phần cứng sẽ không tăng với 317 tỷ USD. Đây cũng là điều dễ hiểu vì khi khủng hoảng thì việc cắt giảm chi phí cho phần cứng (đặc biệt là PC và Server) là phương thức nhanh chóng và dễ thực hiện nhất. Vì vậy việc không suy giảm tiếp tục so với năm 2009 (giảm 16.5% so với 2008) đã là một tín hiệu lạc quan đối với thị trường phần cứng.

Còn lại các mảng phần mềm, dịch vụ và truyền thông đều tăng nhẹ:

2008

2009

2010

Tăng trưởng (2009-2010)

Phần mềm

(chỉ tính trong mảng doanh nghiệp –enterprise)

225

221

231

4.8%

Dịch vụ

809

781

816

4.5%

Truyền thông

1958

1879

1940

4.2%

Tăng nhiều nhất là mảng phần mềm với xu hướng rõ nét của Software as a Service (SaaS) (nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư lớn ban đầu bằng cách chuyển sang chi phí vận hành trả trong quá trình sử dụng) và các phần mềm nhằm tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp, tăng hiệu suất: Business Intelligence(BI), IT asset management… Đối với mảng dịch vụ, xu hướng sử dụng nhân lực bên ngoài ngày càng tăng cao nhưng với một chi phí thấp hơn nhiều so với trước kia. Chính vì vậy mặc dù ngày càng nhiều các dịch vụ được thuê ngoài nhưng mức tăng trưởng vẫn còn khá khiêm tốn. Việc thuê dịch vụ bên ngoài cũng khiến 62.7% doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ cắt giảm nhân sự IT (so với 8.1% cho biết sẽ tăng).

Mảng thị trường lớn nhất – mảng truyền thông cũng có bước tăng trưởng nhẹ (4.2%) cùng với sự phát triển của  smartphone, ip telephony, contact center trong khi các mảng thiết bị hạ tầng, dịch vụ hạ tầng, các hệ thống viễn thông truyền thống chẳng những không tăng mà còn có thể tiếp tục giảm.

Nếu xét theo khu vực thì các thị trường “trưởng thành” (mature) sẽ tiếp tục giảm hay chỉ tăng không đáng kể. Trong khi đó các thị trường “đang phát triển” như Aisa/ Pacific, Latin America sẽ hồi phục nhanh với mức tăng khá ấn tượng (nếu so với năm khủng hoảng 2009) .

Khu vực

2008

2009

2010

United States

957.2

932.1

958.3

3.1%

-2.6%

2.8%

Latin America

250.7

236.4

257.1

13%

-5.7%

8.8%

Western Europe

906.0

811.9

836.1

3.9%

-10.4%

3.0%

Eastern Europe

170.2

142.6

140.5

14.7%

-16.2%

-1.5%

Japan

301.3

306.7

304.5

10.4%

1.8%

-0.7%

Asia/Pacific

503.6

490.9

515.6

6.8%

-2.5%

5.0%

Nếu xét theo các mảng thị trường cụ thể (vertical market) thì mảng Financial Services vẫn tiếp tục dẫn đầu về chi tiêu cho CNTT, sau đó là các mảng Public Sector, Manufacturing, Communications… Nhìn chung tất cả các mảng đều có tăng trưởng nhẹ. Mảng Finacial Service sẽ đầu tư mạnh vào SaaS, cloud computing, shared services và các dịch vụ outsourcing. Mảng public sector sẽ tiếp tục tập trung vào các dịch vụ phục vụ cho công dân, bảo mật hệ thống. Mảng truyền thông đầu tư nhiều vào NGN, Mobile broadband, WiMax.

Phần 2: Xu hướng công nghệ trong năm 2010.

Theo Gartner, 10 công nghệ sau sẽ “lên ngôi” trong năm 2010:
  1. Business intelligence
  2. Enterprise applications (ERP, CRM…)
  3. Servers and storage technologies (virtualization, cloud computing)
  4. Legacy application modernization.
  5. Collaboration technologies
  6. Networking, voice and data communications
  7. Technical infrastructure
  8. Security technologies
  9. Service-oriented applications and architecture
  10. Document management


1. Cloud computing

Trong thời gian gần đây, cloud computing là một trong những chủ đề CNTT nóng nhất trên thế giới. Hầu hết các báo cáo đều đánh giá cloud computing trong Top 5 xu hướng công nghệ quan trọng trong năm 2010 và đặc biệt là những năm kế tiếp. Tại Việt nam, IBM cùng với 1 số hãng công nghệ hàng đầu như Cisco, EMC...cũng đang sử dụng cloud computing như một quân bài chiến lược để khẳng định “sự đi đầu về công nghệ” của mình.

Mô hình các thành phần và một số dịch vụ cloud computing có thể cung cấp.

Khái niệm cloud computing là một khái niệm không mới, bắt nguồn từ những mô hình grid computing trước đây và phát triển liên tục theo sự phát triển của Internet và các công nghệ liên quan như công nghệ về máy chủ, lưu trữ, phần mềm dịch vụ…  Ngoài ra các yêu cầu về chia sẻ thông tin, tối ưu hóa và kiến trúc hướng dịch vụ cũng thúc đẩy sự phát triển này.

Hiện nay sự ra đời của Web 2.0 và sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ ảo hóa và đặc biệt là sự đòi hỏi của mô hình Software as a Services (SaaS, sẽ được đề cập ở phần sau), cloud computing được chờ đợi sẽ có bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên cloud computing cũng phải giải quyết được 1 số thách thức đang được xem như là rào cản để các công ty xem xét đầu tư:

+  Tiêu chuẩn hóa:  cloud computing của các hãng công nghệ khác nhau khó kết nối, sử dụng chung và chia sẻ các thành phần với nhau. Điều này phát xuất từ sự phức tạp trong các vấn đề về phần mềm và dịch vụ chứ không phải về phần cứng (máy chủ và lưu trữ). Vì vậy hiện tại khi đã sử dụng cloud computing của IBM thì thường phải sử dụng trọn gói từ phần mềm quản trị cloud đến các phần mềm quản lý tài nguyên của cloud, giám sát hệ thống, ảo hóa và cuối cùng là các hệ thống phần cứng, lưu trữ của IBM. Điều này sẽ làm giảm tính mở của giải pháp và khiến các nhà đầu tư e ngại.

+  Sự linh hoạt:
việc thiếu tiêu chuẩn hóa ở trên hiển nhiên làm giảm tính linh hoạt của giải pháp. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là ngay khi đã chọn được nhà cung cấp thì giải pháp cloud computing nhận được cũng chưa đạt được tính linh hoạt cần thiết theo yêu cầu của nhà đầu tư và người sử dụng. Việc này được dự đoán sẽ cải thiện trong thời gian tới khi càng nhiều các Hệ điều hành, phần mềm, phần cứng hỗ trợ cho cloud computing đồng thời có nhiều nhà cung cấp dịch vụ triển khai trên thực tế. Từ những sự hỗ trợ và kinh nghiệm thực tế đó, các nhà cung cấp công nghệ sẽ đưa thêm nhiều tính năng cần thiết, những template chuẩn và tối ưu các tính năng hiện có để tăng thêm sự linh hoạt cho hệ thống cloud.

+  Bảo mật và tính riêng tư: đây là một vấn đề lớn đang được đặt ra. Tính “đóng” và độ phức tạp của cloud computing không đem lại sự an toàn hơn cho hệ thống mà ngược lại môi trường cloud computing với việc cấp phát/ thu hồi tài nguyên 1 cách tự động và chia sẻ tài nguyên theo yêu cầu (kể cả phần mềm ứng dụng theo mô hình SaaS) sẽ khiến việc triển khai bảo mật gặp khá nhiều khó khăn. Hiện tại việc chuẩn hóa các quy trình, chính sách bảo mật cho điện toán đám mây đang được các tổ chức gấp rút thực hiện để vượt qua rào cản này. Trong lúc chờ đợi, chúng ta vẫn phải sử dụng các biện pháp bảo mật rời rạc và triển khai theo kinh nghiệm thực tế.

Tại Việt nam, IBM đang đi đầu trong lĩnh vực này với 02 dự án đã triển khai cùng với hàng loạt các hoạt động marketing gắn liền với Trung tâm đổi mới sáng tạo (innovation center) và các hội thảo chuyên đề. Sắp tới các “ông lớn” khác như HP, Cisco, EMC sẽ có những động thái mạnh mẽ để tranh giành thị phần mặc dù theo người viết thì tại Việt nam trong 1 vài năm mới thì cloud computing (theo đúng nghĩa của nó) vẫn chỉ là con bài marketing của các hãng hơn là doanh số và lợi nhuận.

2. Virtualization

Virtualization hay ảo hóa luôn nằm trong các xu hướng công nghệ hàng đầu từ 5 năm qua. Virtualization được xem là nền tảng của cloud computing và ngày càng hoàn thiện nhờ sự tham gia tích cực của ngày càng nhiều các “đại gia” CNTT như IBM, HP, Vmware, Microsoft… Hiện nay, công nghệ Virtualization không chỉ dừng ở server mà đã có thể triển khai ở khắp tất cả các thành phần của hệ thống CNTT: hệ thống lưu trữ, hệ thống mạng, hệ thống bảo mật và cả hệ thống máy tính cá nhân (Virtual Desktop).

Tại Việt nam việc ứng dụng Virtualization đã trở nên khá phổ biến, đặc biệt là trong mảng Tài chính – Ngân hàng. Tuy nhiên việc ứng dụng Virtualization vẫn đang chỉ tập trung ở mảng máy chủ và thiết bị lưu trữ là chủ yếu. Hy vọng rằng trong thời gian tới khi thêm nhiều các Datacenter mới được xây dựng đồng thời các Datacenter hiện tại được nâng cấp, Virtualization sẽ được ứng dụng sâu rộng hơn nữa cho tất cả các thành phần của Datacenter.

Cũng cần nhấn mạnh thêm là đội ngũ kỹ thuật của HPT hiện tại có đủ khả năng để tư vấn và triển khai các giải pháp Virtualization đa dạng trên máy chủ, hệ thống lưu trữ, thiết bị mạng… Năm 2009, HPT đã cùng triển khai thành công nhiều dự án lớn liên quan đến Virtualization như giải pháp tối ưu hóa hạ tầng - ảo hóa hệ thống cho Ngân hàng Công thương Việt nam, giải pháp cloud computing cho hệ thống CitiWeb đặt tại công viên phần mềm Quang trung (phối hợp cùng IBM).

3. Software as a Services (SaaS)
Bắt nguồn từ “hardware as a services”, sau đó là “platform as a services”, SaaS hiện tại là bước tiếp theo mà tại đó người sử dụng dịch vụ không chỉ thuê hardware, thuê platform theo yêu cầu mà thuê trực tiếp các ứng dụng phục vụ cho công việc. Có thể hình dung một cách tường minh là hiện nay người ta có thể sử dụng rất nhiều các ứng dụng trực tiếp từ Internet thay vì cài đặt tại máy tính của mình. Hiện tại việc sử dụng SaaS vẫn còn hạn chế ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa vì lo ngại về các vấn đề an ninh và hiệu suất sử dụng tuy nhiên trong vòng ba đến năm năm tới các công ty lớn (kể các các công ty trong mảngTài chính – Ngân hàng) sẽ bắt đầu sử dụng (theo khảo sát của IDC).

Như phần trên đã đề cập, sự gia tăng yêu cầu đối với SaaS chính là động lực để phát triển cloud computing. Kết quả khảo sát trên 502 lãnh đạo cao cấp tại trên 16 quốc gia có nền CNTT phát triển của Kelton Research vào cuối năm 2009 cho thấy trên 60% công ty có kế hoạch sử dụng hay triển khai SaaS trong vòng 1 năm tới. Đây là con số khá ấn tượng mặc dù có thể không đạt được trên thực tế.

Tuy nhiên tại Việt nam, khi vấn đề bản quyền phần mềm vẫn còn chưa được cải thiện bao nhiêu và sự e ngại về tính bảo mật và đặc biệt là sự riêng tư còn rất lớn thì SaaS sẽ vẫn chỉ ở mức “tiềm năng”. Các công ty cung cấp dịch vụ vẫn sẽ chỉ có thể khai thác ở những mảng truyền thống như HaaS (Hardware as a Services) và ở 1 mức nào đó là PaaS (platform as a Services)

4. Business Intelligence (BI).
Trong doanh nghiệp, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến mọi người phải tập trung chú ý nhiều hơn nữa vào việc kiểm soát chi phí và năng suất lao động nhằm đạt hiệu quả cao hơn với chi phí thấp hơn (doing more with less). Bộ phận tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và mối quan tâm hàng đầu của họ là: tổng chi phí sở hữu, tỷ suất hoàn vốn đầu tư và những giá trị mang lại…Khi nền kinh tếcó xu hướng cải thiện dần thì sự tập trung chuyên sâu hơn vào những số liệu và phân tích số liệu để định hướng hoạt động cho doanh nghiệp. Nói cách khác trong giai đoạn này, việc triển khai BI để có thể “hiểu biết về quá khứ” “dự đoán tương lai” đang là chủ đề “nóng” với nhiều doanh nghiệp.

BI là một khái niệm rộng bao gồm nhiều ứng dụng và quy trình phức hợp để hỗ trợ cho việc “ra quyết định” cuối cùng. Khởi đầu từ những dữ liệu thô như văn bản, files, các database, cần phải tổ chức thành các kho dữ liệu (Data warehouse). Sau đó là khai thác dữ liệu (Data mining), kết hợp với việc phân tích kinh doanh (Business Analyst) cùng các kỹ thuật phân loại / kết hợp phức tạp khác để có thể cung cấp đầy đủ thông tin cho hệ thống hỗ trợ ra quyết định.

Cấu trúc cơ bản của 1 hệ thống BI.

Trong BI, vai trò của các công cụ phân tích dữ liệu là rất quan trọng. Các công cụ này ngoài việc phân tích dữ liệu còn phải tối ưu hóa được các quy trình của doanh nghiệp và sau đó lại tiếp tục phân tích và đánh giá hiệu quả của quá trình tối ưu đó.

Việc “lên ngôi” của BI cũng kéo theo sự phát triển trở lại của các hệ thống hỗ trợ cơ bản mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần: hệ thống ERP và CRM.  Tất nhiên để có thể có một hệ thống BI hoàn chỉnh, bản thân ERP và CRM cũng phải được nâng cấp và chuẩn hóa để có thể kết hợp được với nhau và hỗ trợ cho các công cụ phân tích/ phân loại/ kết hợp/ thống kê… do BI mang lại.

SAP, Oracle, IBM, SAS…đang là những nhà cung cấp giải pháp BI hàng đầu trên thế giới. Trong thời gian 03 năm trở lại đây, SAP, Oracle và IBM đã tiến hành “thôn tính” nhiều sản phẩm/ công ty cung cấp các giải pháp BI để tăng cường cho giải pháp BI của mình. Điển hình là việc IBM mua Cognos (2009) Oracle mua Hyperion (2008), SAP mua Business Objects (2008).

Đối với HPT, chưa bàn đến việc chúng ta có định hướng phối hợp với đối tác (ở đây là Oracle và IBM) trong việc cung cấp các giải pháp BI cho khách hàng hay không, chỉ riêng việc nâng cấp ERP để hỗ trợ cho việc phân tích tài chính, hỗ trợ Ban lãnh đạo trong việc ra quyết định à triển khai CRM cũng đã là một bài toán khá nan giải. Theo ý của người viết thì đây là 02 việc cần phải triển khai càng sớm càng tốt để tăng cường tính “Intelligence” trong business của HPT. Ngoài ra trong thời gian chờ nâng cấp ERP, triển khai CRM thì chúng ta nên khai thác tối đa sức mạnh của một công cụ BI rẻ tiền (với HPT là miễn phí): Microsoft Excel. Tại HSI, phòng QTDA đang sử dụng Excel khá hiệu quả trong những việc quan trọng như phân tích doanh số,  tình hình dự án, tình hình triển khai cho đến các việc nhỏ như đánh giá nhân sự, báo cáo…

5. Knowledge Sharing – Social networking

Mới cách đây vài năm, doanh nghiệp dù ý thức được tầm quan trọng của chia sẻ tri thức cũng rất khó khăn khi tìm kiếm các phương thức thực hiện nhanh chóng và hiệu quả thì giờ đây với sự phát triển nhanh chóng của Web 2.0, bao gồm cấu trúc SOA, các sản phẩm của các hãng phần mềm, các công cụ XML, và kể cả các hệ thống “mạng xã hội” (social networking), việc chia sẻ tri thức đã trở nên thật dễ dàng.

Vấn đề đang được đặt ra hiện nay không phải là việc có thông tin để chia sẻ hay không mà là vấn đề tổ chức, phân loại và xác định các chính sách cần thiết cho việc chia sẻ. Ngoài ra, việc kết hợp giữa mạng doanh nghiệp và mạng xã hội và các yếu tố liên quan đến bảo mật, quản lý truy cập sao cho việc khai thác các thông tin bên ngoài hiệu quả và không ảnh hưởng đến năng suất lao động cũng là vấn đề làm các nhà quản trị CNTT đau đầu.

Xét ở góc độ xã hội thì hệ thống các mạng xã hội: facebook, yahoo, các mạng xã hội việt nam (yume, go, tamtay..) khá phát triển. Tuy nhiên xét ở phía doanh nghiệp tại Việt nam thì các mạng xã hội này mang lại “phiền nhiễu” hơn là lợi ích vì nội dung chủ yếu hướng tới giải trí của nó trong khi những tiện ích cần thiết cho doanh nghiệp (cùng với khái niệm Social Computing – dựa trên cloud computing) còn chưa được triển khai

Tại HPT, việc chia sẻ tri thức có thực hiện nhưng vẫn chưa được bài bản và chuyên nghiệp, vì vậy hiệu quả chưa cao. Việc triển khai share point còn manh mún, chia sẻ chuyên môn, tài liệu, kinh nghiệm vẫn còn tự phát và thiếu các công cụ cần thiết để phân loại, thống kê, tổng hợp, tìm kiếm một cách dễ dàng. Nhìn chung mọi người đã có ý thức về việc chia sẻ tri thức nhưng vẫn thích làm theo lối mòn, ngại ứng dụng CNTT. Điển hình là ở HSI, dù đã triển khai hệ thống DMS (Document Management System) trên share point nhưng việc sử dụng cũng rất hạn chế. Nhân viên thích chia sẻ theo kiểu truyền thống (file – folder) hơn dùng DMS dù DMS có nhiều tính năng vượt trội hơn hẳn về quản lý – phân loại – tìm kiếm…

6. Mobility
Theo thống kê của IDC, đến cuối năm 2010, 1,2 tỷ người trên thế giới sở hữu thiết bị di động thông minh có khả năng chạy các ứng dụng cao cấp và  thực hiện các giao dịch trực tuyến. Vì vậy việc phát triển các ứng dụng và dịch vụ di động sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. Đối với các doanh nghiệp khái niệm “computing” tiếp tục mở rộng thành “mobile computing” và việc chấp nhận các văn phòng ảo (virtual office) và on-the-go worker là tất yếu.

Tại Việt nam, việc triển khai 3G từ cuối năm 2009 đã thực sự tạo được nền tảng hạ tầng vững chắc cho việc triển khai các ứng dụng và dịch vụ di động. Tuy nhiên theo đánh giá thì việc triển khai các ứng dụng và dịch vụ di động tại các doanh nghiệp còn rất hạn chế. Ngay cả mảng dịch vụ có đầu tư lớn về CNTT và viễn thông là mảng tài chính – ngân hàng thì việc triển khai các ứng dụng – dịch vụ di động cho khách hàng vẫn còn khá hạn chế.

Còn mobility ở HPT? Trong cuộc họp giao ban HSI vừa rồi, Ban GĐ chỉ yêu cầu làm sao triển khai được việc cập nhật lịch họp từ MS Outlook sang Calendar trên điện thoại di dộng của các cán bộ quản lý là tốt rồi.


7. Green IT

Không còn chỉ đơn thuần là khẩu hiệu marketing của một số hãng sản xuất, thân thiện với môi trường đang dần trở thành điều kiện bắt buộc với các ngành công nghệ và sản xuất trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với việc thiếu hụt năng lượng, thiếu hụt tài nguyên và hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường đang ngày càng lan rộng.

GreenIT cũng là một khái niệm rất rộng bao gồm tất cả các quy định, công nghệ và giải pháp hướng đến việc tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khí thải, tăng hiệu suất tái sử dụng… Trong thời gian gần đây, GreenIT (còn được gọi là Green computing khi cần nhấn mạnh đến yếu tố công nghệ và giải pháp) đang được ứng dụng mạnh trong việc xây dựng các Datacenter với các bài toán phức hợp để giảm thiểu điện năng tiêu thụ của hệ thống lạnh, điện năng tiêu thụ của Server, tiết kiệm diện tích… Tuy nhiên nếu nhìn rộng ra, hiện tại GreenIT đang hiện diện ở khắp mọi nơi: từ việc sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng (như HDD Solid state, LED monitor), tăng tuổi thọ thiết bị, sử dụng các phần mềm quản lý năng lượng một cách tối ưu, tăng cường sử dụng năng lượng sạch (gió, mặt trời) cho đến việc xây dựng các quy trình hay thay đổi cách thức thực hiện công việc (ví dụ như sử dụng video – conferencing thay cho việc phải đi lại hội họp chẳng hạn).

Ngoài các xu hướng về công nghệ nổi bật đã trình bày ở trên, đối với các hãng CNTT lớn, xu hướng mua lại / xác nhập nhằm tăng thị phần hay mở rộng lĩnh vực hoạt động cũng là một xu hướng rất nóng hiện nay. Một số vụ xác nhập đình đám trong thời gian qua có thể kể đến: Oracle – Sun Microsystems, HP – EDS, HP – 3Com, Cisco – Tanberg, Microsoft - Opalis… Rõ ràng, các “đại gia” CNTT trên thế giới đang muốn thừa cơ khủng hoảng kinh tế để thâu tóm các công ty khác nhằm tăng cường sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình. Các công ty này đang trở thành những công ty “All-in-one” – có thể cung cấp tất cả các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ liên quan đến CNTT và truyền thông cho tất cả các loại khách hàng trên toàn thế giới.

Download bài viết tại đây