HPT tham gia góp vốn trong Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin TP.HCM (HISSC)

Chiều 11.10.2020, tại TP.HCM, UBND TP.HCM chủ trì Hội thảo Giới thiệu sản phẩm và Hệ sinh thái ngành CNTT do Sở TT-TT và Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH Một thành viên phối hợp tổ chức. Trong chương trình hội thảo, Trung tâm An toàn thông tin TP.HCM phục vụ Đô thị thông minh (SOC) đã chính thức ra mắt và vận hành. SOC là một trong 4 trung tâm trụ cột của Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin TP.HCM (HISSC). HPT tham gia góp vốn trong HISSC cùng với 3 cổ đông khác: Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH Một thành viên (CNS), Công ty Cổ phần Viễn thông – Tin học Bưu điện (CTIN), Công ty Cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu. Đại diện HPT tham dự sự kiện ra mắt Trung tâm An toàn thông tin TP.HCM phục vụ Đô thị thông minh (SOC) có anh Ngô Vi Đồng – Chủ tịch HĐQT, chị Nguyễn Thị Hồng Hải – Phó Tổng Giám đốc.






HISSC sẽ thực hiện các nhiệm vụ:

- Giám sát 24/7, bảo đảm an toàn, an ninh mạng thông tin đối với hạ tầng CNTT-TT, hệ thống cơ sở dữ liệu quan trọng, các ứng dụng và dịch vụ công trên nền tảng CNTT-TT, tiến tới là các hệ thống điều khiển công nghiệp cho các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, các cơ quan trực thuộc bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn Thành phố.

- Bằng các công cụ kỹ thuật và các biện pháp nghiệp vụ khác thực hiện việc giám sát hoạt động, thực hiện cảnh báo về các sự cố an ninh thông tin trong thời gian thực đối với các đơn vị doanh nghiệp cần bảo vệ. Thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất khi có sự cố về an ninh thông tin cơ quan quản lý nhà nước.

- Sử dụng nguồn lực của mình và huy động nguồn lực xã hội khác chủ trì, phối hợp tham gia ứng cứu xử lý khắc phục sự cố về an ninh thông tin trên địa bàn Thành phố, hoặc trên toàn quốc khi có yêu cầu.

- Chủ động kết nối và thu thập các thông tin về tình hình an toàn thông tin trên Internet, từ các đối tác, nhà cung cấp về các lỗi bảo mật, các thủ đoạn mới, các vũ khí mới, các nguy cơ tiềm ẩn được cảnh báo sớm bởi các tổ chức, đơn vị, chuyên gia nhằm thực hiện các hoạt động đánh giá định kỳ và đột xuất, phản ứng thích hợp trước và khi đang bị tấn công.

- Tổ chức tư vấn dịch vụ, sản xuất và nghiên cứu khoa học công nghệ, sử dụng các môi trường giả lập để đào tạo về an toàn thông tin.

- Chủ trì và phối hợp tổ chức các hội thảo, diễn đàn, tổ chức diễn tập an ninh thông tin định kỳ và bất thường khi có yêu cầu.

- Tập hợp lực lượng xã hội (trường, viện, hiệp hội, tổ chức…) trong công tác đảm bảo ATTT.